đơn vị 30 - 40 người, dùng cuốc thuổng đào đất khai khẩn trên những ngọn
đồi hoang. Do đó họ được gọi là những người “Đào đất”. Do yêu cầu ruộng
đất tiến bộ, phong trào của họ được quần chúng ủng hộ và lan tràn nhanh
chóng.
Mặc dầu phong trào có tính chất hòa bình nhưng cương lĩnh cách
mạng của họ đe dọa tới nguyên tắc của chế độ tư hữu, làm cho giai cấp hữu
sản lo ngại. Ngay Linbớc, người đứng đầu phái San bằng cũng đoạn tuyệt
với họ. Đâu đâu, những người Đào đất cũng bị chính quyền khủng bố, phá
phách nhà cửa ruộng đất và giết hại súc vật. Giai cấp tư sản và quý tộc mới
coi những người lao động hòa bình đó là kẻ thù nguy hiểm của chế độ tư
hữu. Cho nên chúng dùng vũ lực, cho quân đội và cảnh sát đến đàn áp họ.
Chẳng bao lâu phong trào bị tan rã.
3. Cuộc chiến tranh xâm lược Ailen, Xcốtlen và sự tan vỡ của
nền Cộng hòa
Sau khi trấn áp những phong trào dân chủ ở nước Anh, Crômoen tiến
hành cuộc chiến tranh xâm lược bên ngoài, trước hết là Ailen và Xcốtlen.
Giai cấp tư sản sau khi thoát khỏi gông cùm của chế độ phong kiến thì
không giải phóng cho toàn thể quần chúng mà trái lại, đem xiềng xích nô lệ
quàng lên vai nhân dân lao động ở trong và ngoài nước.
Tháng 8-1649, Crômoen thân hành dẫn quân sang chinh phục Ailen,
một hòn đảo xanh tươi và màu mỡ. Đó là cuộc chiến tranh xâm lược đầu
tiên của nước Cộng hòa Anh. Cuộc chiến tranh được tiến hành một cách tàn
bạo và vô nhân đạo chưa từng thấy trong suốt quá trình lịch sử đau thương
của nhân dân Ailen. Tuy nhiên, nhân dân Ailen đã anh dũng đứng dậy, tiến
hành đấu tranh du kích chống xâm lược. Lợi dụng ưu thế về binh lực và kỹ
thuật, khơi sâu mâu thuẫn trong nội bộ nghĩa quân, Crômoen đàn áp được
cuộc kháng chiến cứu nước đó. Một bộ phận nhỏ bé nghĩa quân còn lại bị
đánh đuổi về tận phía tây hẻo lánh. Đến năm 1652 Crômoen giành được
thắng lợi. Gần một nửa số dân bị giết, một số đông khác bị đưa đi làm nô lệ