phần lớn lao vào sự nghiệp giải phóng dân tộc ở nhiều khu vực trên mảnh
đất Mỹ latinh rộng lớn.
Như vậy là cho đến năm 1826 hầu hết các thuộc địa Tây Ban Nha ở
Mỹ la-tinh đã được giải phóng khỏi ách thống trị của bọn thực dân Tây Ban
Nha, giành được độc lập dân tộc. Quân viễn chinh Tây Ban Nha bị đánh
đuổi khỏi lục địa châu Mỹ; Tây Ban Nha chỉ còn lại đảo Cuba và Puéctô
Ricô.
Trong thời gian này, thuộc địa của Bồ Đào Nha là Braxin tiến hành
cuộc đấu tranh giành độc lập. Sau khi bại trận trong cuộc chiến tranh với
Napôlêông, hoàng thân phụ chính Bồ Đào Nha là Juan đã bỏ chạy khỏi Bồ
Đào Nha đến Braxin dưới sự che chở của người Anh. Năm 1815 Juan tuyên
bố Braxin là một vương quốc hợp nhất với Bồ Đào Nha và 1816 tự phong
lên ngôi vua Juan VI. Cũng từ đây, đứng về hình thức thì Braxin không còn
là thuộc địa nữa, nhưng quyền nhiếp chính vẫn nằm trong tay Bồ Đào Nha.
Trong những năm Juan cai trị, sự bất mãn trong nước ngày càng tăng.
Chính sách bao vây lục địa, việc hạn chế buôn bán với châu Âu, việc tăng
thuế má, cuộc chiến tranh với các tỉnh hợp nhất La Plata và những khó
khăn về kinh tế do cuộc chiến tranh đó gây nên càng làm cho tình hình
Braxin thêm trầm trọng. Những cuộc đấu tranh chống lại nền thống trị đó
phát triển. Năm 1817 nổ ra một cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Pécnambucô, tuyên
bố lập nước cộng hòa, kêu gọi nhân dân vùng lên đấu tranh, nhưng bị quân
nhà vua dập tắt.
Sau cuộc cách mạng tư sản năm 1820 ở Bồ Đào Nha, Juan VI trở về
chính quốc (1821) và nhường ngôi ở Braxin cho con là Prêđô. Prêđô đã
thực hiện lời Juan VI dặn trước khi ông trở về Bồ Đào Nha là “Nếu tình thế
trở nên quá xấu và Braxin đòi độc lập thì cứ tự tuyên bố độc lập và đặt dưới
ngai vàng của con”. Mặc cho Quốc hội Bồ Đào Nha đòi Prêđô trở về chính
quốc, Prêđô ở lại làm vua Braxin và ngày 7-9-1822 tuyên bố rằng: “Độc
lập hay là chết! Tôi công bố rằng bây giờ chúng ta tách khỏi Bồ Đào Nha”.
Đó là lời tuyên bố độc lập của Braxin.