Cuộc đấu tranh vì một nên cộng hòa, vì tự do dân chủ, chống lại nền
quân chủ và chế độ nô lệ vẫn tiếp diễn trên đất nước Braxin.
III. SỰ TĂNG CƯỜNG XÂM NHẬP CỦA CÁC
NƯỚC ĐẾ QUỐC VÀO MỸ LA TINH
1. Tư bản châu Âu xâm nhập Mỹ la tinh
Cuối thế kỷ XVIII, Anh lần lượt chiếm xong các quần đảo Bacbađôt,
Bahama, đảo Giamaica và đảo Triniđát, gọi chung là quần đảo Ăng ti thuộc
Anh. Sau khi thực dân Tây Ban Nha bị đuổi ra khỏi Mỹ la-tinh, những nước
cộng hòa mới giành được độc lập về chính trị và kinh tế còn yếu ớt, Anh lợi
dụng tình trạng đó, ra sức xâm nhập và đầu tư một số vốn khá lớn vào các
nước này. Phần lớn vốn đầu tư tập trung vào miền Nam Nam Mỹ và chủ
yếu vào các ngành đường sắt, xây dựng hải cảng, khai thác nguyên liệu,
trồng cà phê, cao su, bông, ngũ cốc, sản xuất thịt, len, khai thác dầu lửa
v.v… Ngoài ra, Anh còn xâm nhập kinh tế bằng cách cho chính phủ các
nước Mỹ la-tinh vay. Trong suốt thời gian dài cho đến chiến tranh thế giới
lần thứ nhất, Anh nắm được ưu thế ở Mỹ la-tinh. Tư bản Đức, Pháp, Mỹ
chỉ chiếm được một vài vị trí quan trọng trong một số nước ở khu vực này.
Nước Đức cũng ra sức mở rộng thế lực vào Mỹ la-tinh. Nhưng đối với
khu vực này, Đức không thể xâm chiếm được vì sự cản trở của tư bản Mỹ,
nên tăng cường hoạt động kinh tế. Năm 1886 và 1893, Đức thành lập nhà
ngân hàng để giao dịch riêng với khu vực này và đặt nhiều chi nhánh ở
Braxin, Áchentina, Chilê, Pêru, Uruguay. Những tổ chức ngân hàng này
cung cấp tài chính cho những nhà xuất nhập khẩu. Dựa trên cơ sở một nền
công nghiệp phát đạt, quan hệ thương mại của Đức với Mỹ la-tinh phát
triển khá nhanh. Thương thuyền Đức cập bến ngày càng nhiều. Hàng hóa
xuất cảng sang Mỹ la-tinh tuy còn kém Anh, nhưng nhiều hơn Mỹ, sự bành
trướng của Đức về kinh tế ngày càng mạnh.