Sự phát triển của công thương nghiệp đã làm cho bộ mặt của những
thành phố thời trung cổ thay đổi hẳn. Thủ đô Pari với 50 vạn dân, trong đó
có 6 vạn thợ làm thuê, là một trung tâm công thương nghiệp, một thành phố
nổi tiếng thế giới về sản xuất mỹ phẩm.
Dọc theo biên giới từ phía bắc xuống đến tây nam. người ta thấy
nhiều trung tâm kinh tế quan trọng: Ruăng và Havrơ, nơi tập trung công
nghiệp vải sợi; hải cảng Năngtơ và Boocđô trông ra Đại Tây Dương, nơi
buôn bán hương liệu sầm uất với các đảo phương Đông: Macxây, cửa biển
lớn trên Địa Trung Hải. Trên sông Rôn có thành phố Lyông sản xuất hàng
tơ lụa và nhung nổi tiếng châu Âu. Về phía đông giáp giới nước Đức có
Andat và Lôren, trù phú nguyên liệu với những lò luyện kim lớn.
Trong khi đó, chế độ phong kiến áp dụng những quy chế khắt khe như
thuế nặng, sự kiểm soát chặt chẽ, sản xuất theo khuôn mẫu bắt buộc, số
lượng sản phẩm và nhân công bị hạn chế.., đã ngăn cản sự phát triển công
thương nghiệp. Hình thức tổ chức sản xuất công nghiệp phổ biến là công
trường thủ công. Chủ công trường thường là những nhà kinh doanh công
thương nghiệp, những người chủ nguyên liệu, giao công việc cho các thợ
thủ công gia đình rồi thu mua sản phẩm. Hình thức công trường thủ công
phân tán được áp dụng rộng rãi trong toàn quốc. Trong ngành vải sợi là
công nghiệp phát triển nhất khi đó, chỉ riêng vùng Ruăng đã phải dùng tới
19 vạn thợ kéo sợi làm thủ công trong các gia đình. Công trường thủ công
tập trung còn tương đối ít nhưng có một ý nghĩa kinh tế đáng kể. Ngoài
những công trường của nhà nước, nhiều công ty đứng ra kinh doanh, tập
trung công nhân và bước đầu sử dụng máy móc.
Số công trường dùng từ 50 đến 100 công nhân đã khá nhiều. Công ty
than Anh đang thuê tới 4.000 công nhân. Công trường dệt dạ Văng Rôbe
thuê hơn 1.700 công nhân, phần đông là phụ nữ. Máy dệt Gienny, máy kéo
sợi Accrai đã xuất hiện trong các xưởng dệt tuy chưa nhiều lắm. Máy hơi
nước, lò cao bắt đầu được sử dụng trong các ngành khai mỏ và luyện kim.