Họ đã từng đấu tranh nhiều lần chống chế độ phong kiến, mong muốn
một cuộc sống khấm khá hơn nhưng cuối cùng, đều bị đàn áp. Trong giai
đoạn này, công nhân chưa hình thành một giai cấp, ý thức giác ngộ về
quyền lợi giai cấp còn thấp kém, nên họ thường đi theo giai cấp tư sản. Họ
chính là lực lượng kiên quyết nhất trong cuộc đấu tranh chống phong kiến.
Như vậy, do địa vị kinh tế và chính trị quy định, xã hội Pháp hồi cuối
thế kỷ XVIII đã chia thành hai trận tuyến rõ rệt: trận tuyến phong kiến bao
gồm nhà vua, tăng lữ và quý tộc; trận tuyến chống phong kiến bao gồm các
tầng lớp trong đẳng cấp thứ ba, do giai cấp tư sản lãnh đạo. Ăngghen viết:
“Bên cạnh sự đối lập phong kiến và giai cấp tư sản đứng ra làm đại biểu
cho toàn bộ xã hội còn lại, còn có sự đối lập chung giữa người bóc lột, giữa
những người giàu lười biếng và những người nghèo lao động. Chính tình
trạng đó đã khiến các đại biểu của giai cấp tư sản có thể tự nhận không phải
là đại biểu của một giai cấp riêng biệt nào cả mà là đại biểu của toàn thể
nhân loại đau khổ”.
5. Trào lưu tư tưởng “Ánh sáng” ở Pháp
Từ giữa thế kỷ XVII và nhất là trong nhiều năm của thế kỷ XVIII, các
nhà triết học, sử học, văn học, những người có tư tưởng tiên tiến đã liên
tiếp tấn công vào thành trì quân chủ chuyên chế bằng những học thuyết
mới, tiến bộ và cách mạng. Lịch sử đã gọi đó là thế kỷ “Ánh sáng”, thế kỷ
chuẩn bị về tư tưởng cho một cuộc cách mạng tư sản sắp bùng nổ. Trào lưu
tư tưởng Ánh sáng bao gồm nhiều khuynh hướng với những đại biểu ưu tú
sau đây :
Jăng Mêliê (1664-1729) là một mục sư nông thôn, gần gũi và hiểu rõ
cuộc sống khổ cực, nghèo đói của nông dân, thông cảm với những nguyện
vọng của họ. Tên tuổi của ông chỉ được mọi người biết qua cuốn “Di chúc”
do Vônte xuất bản sau khi ông chết. Trong đó, ông phê bình kịch liệt quan
hệ xã hội phong kiến ở Pháp và phân tích tình hình giai cấp trong xã hội.