nhưng kiểm soát lẫn nhau. Nhà vua giữ quyền hành pháp, nghị viện giữ
quyền lập pháp và các quan tòa nắm quyền tư pháp, phải độc lập đối với
vua và nghị viện. Trên thực tế, các cơ chế trên đều ở trong tay giai cấp tư
sản.
Quan điểm của Môngtexkiơ không phải là tiến hành cách mạng để lật
đổ chế độ cũ mà chỉ là cải cách, tổ chức chính quyền cho phù hợp với
quyền lợi và nguyện vọng của giai cấp tư sản. Nhưng trong thời kỳ chế độ
chuyên chế đang thống trị dưới hình thức tàn bạo nhất ở Pháp thì tư tưởng
của ông về đấu tranh chống chế độ độc tài, vạch trần bộ mặt tôn giáo, bảo
vệ tư tưởng tự do, lên án những cuộc chiến tranh xâm lược… có ý nghĩa
tiến bộ rất lớn và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới phong trào cách mạng sau này.
Vônte (1694-1778) tên thật là Frangxoa Mari Aruê, sinh trưởng trong
một gia đình giàu có, là người đại diện xuất sắc nhất của trào lưu triết học
Pháp thế kỷ XVIII. Là một bậc thiên tài với khả năng hiểu biết toàn diện,
Vônte đã thành công và nổi tiếng trong mọi mặt sáng tác. Ông là nhà triết
học, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà sử học, nhà vật lý, nhà báo, nhà hoạt động
chính trị… Trong những tác phẩm của mình, đặc biệt trong Những lá thư
triết học, ông kịch liệt lên án tính chất dã man, tàn bạo, phản động và lạc
hậu của chế độ chuyên chế ở Pháp và của nhà thờ Thiên chúa giáo. Bằng
giọng văn châm biếm chua cay và sâu sắc, ông đã phê phán không thương
tiếc tính chất thối nát của xã hội đương thời. Ông là kẻ thù không đội trời
chung với chế độ độc tài phong kiến, với nhà thờ Thiên chúa. Chính vì thế
mà ông đã nhiều lần bị giam vào ngục Baxti.
Mặc dầu đã lớn tiếng tố cáo nhà thờ, Vônte không phải là một nhà duy
vật vì ông cho rằng tôn giáo là điều cần thiết đối với nhân dân. Quan điểm
chính trị của ông cũng rất hạn chế. Mặc dầu kịch liệt chống chế độ chuyên
chế tàn bạo, chống sự bất công, ông cũng chỉ chủ trương cải cách xã hội từ
trên xuống, trông chờ vào một “vị minh quân”. Ông liên hệ rất chặt chẽ với
vua Phổ Phrêđêrich II, nữ hoàng Nga Catơrin II, với vua Thụy Điển, Đan
Mạch, Ba Lan và các nhà vua khác.