Không những chống nhà nước phong kiến chuyên chế và tôn giáo,
Mêliê còn chống cả chế độ tư hữu, coi đó là nguồn gốc của mọi sự bất bình
đẳng trong xã hội. Ông vẽ lên hình ảnh một xã hội lý tưởng được xây dựng
trên cơ sở của chế độ sở hữu công cộng, mọi người đều có nghĩa vụ lao
động. Quan điểm của ông là quan điểm cộng sản chủ nghĩa nhưng khi đó
còn không tưởng, sơ khai và mang tính chất nông nghiệp, chỉ dựa vào biện
pháp giáo dục quần chúng để thực hiện một cuộc cải cách xã hội.
Cuốn “Di chúc” của Mêliê là một trong những tác phẩm được chú ý
nhất vào thời kỳ đó.
Tinh thần dũng cảm, ý chí chiến đấu của ông phản ánh tư tưởng và
tình cảm của nhân dân Pháp, đặc biệt là của các tầng lớp dưới trong xã hội,
của dân nghèo nông thôn và thành thị muốn đứng dậy đấu tranh chống áp
bức. Do đó, ông đã có ảnh hưởng lớn lao trong trào lưu tư tưởng cách mạng
dân chủ ở Pháp, có ảnh hưởng tới các nhà tư tưởng Ánh sáng của thế kỷ
XVIII
Sác Luy Môngtexkiơ (1689-1755) xuất thân từ một gia đình quý tộc tư
pháp, đã từng làm chủ tịch nghị hội (khi đó là cơ quan tư pháp) ở Boocđô
nên hiểu biết rất rõ hệ thống cai trị và thực chất chế độ chuyên chế từ trung
ương đến địa phương ở Pháp. Trong những tác phẩm Những lá thư Ba Tư
(1721), Khảo sát về sự lớn mạnh và suy tàn của La Mã (1734) và đặc biệt
là cuốn Tinh thần luật pháp (1748) ông kịch liệt chống lại chế độ phong
kiến và nhà nước quân chủ cực đoan. Nghiên cứu các chế độ chính trị, ông
cho rằng tổ chức nhà nước ở Anh là phù hợp với chính kiến của ông. Ông
phân biệt ba loại hình thức nhà nước: độc tài, quân chủ lập hiến và cộng
hòa. Ông lên án chế độ độc tài là tàn bạo, cho rằng chế độ cộng hòa là tốt
đẹp, nhưng trong thực tế không thực hiện được, Theo ông, chế độ chính trị
tốt nhất là nhà nước quân chủ lập hiến giống như nước Anh.
Chống lại nền quân chủ chuyên chế tập trung mọi quyền lực vào tay
vua, Môngtexkiơ chủ trương phân chia ba thứ quyền lực khác nhau: quyền
lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, không phụ thuộc vào nhau