tán của Nhất Sơn Nhất Ninh. Vì loại tranh này là món đồ rất cần thiết
cho cơ cấu tổ chức của tùng lâm cho nên phải tìm ra những tăng sĩ
chuyên môn cho công việc chế tạo. Kissan Minchô (Cát Sơn Minh
Triệu, 1352-1431), điện chủ trong chùa Tôfukuji (Đông Phúc Tự) là
một thí dụ điển hình.
Riêng về một hình thức hội họa khác, được coi như lấy việc vẽ
vời làm thú tiêu khiển (mặc hí), lấy cảm hứng từ "văn nhân họa"
(bunjinga)
của Trung Quốc cũng đã được các tăng nhân du học
đem về Nhật. Kaô Sônen (Kha Ông Tông Diễn, ? - 1345, về Nhật năm
1326) và Tesshuu Tokusai (Thiết Chu Đức Tế) là những người trong
bọn họ. Hai ông đã vẽ những bức trúc, lan, mai, thạch xương bồ, nho...
và chúng đã trở thành mẫu mực cho những người đi sau như Sessô
Fumin (Tuyết Song Phổ Minh, thế kỷ 13-14), Shitei Sohaku (Tử Đình
Tổ Bách, thế kỷ 13-14), Nikkan Shion (Nhật Quan Tử Ôn, ? - 1293).
Tuy không có kinh nghiệm du học nhưng Gyokuen Bonbô (Ngọc
Uyển Phạm Phương, 1348 - ? ), cũng rất nổi tiếng trong lãnh vực hội
họa này.
Trong thời buổi ấy, các thiền viện không chỉ là nơi các thiền tăng
dùng để tu hành. Nó còn là địa điểm gặp gỡ, trao đổi với các samurai
thượng lưu của Mạc phủ Muromachi nữa. Các trao đổi này phần lớn là
về thi văn nhưng hội họa cũng là phương tiện để họ có thể diễn đạt.
Thi văn (thường là thơ chữ Hán) được họ đem đề lên chỗ trống ở phần
trên những bức tranh cuốn (có trục hai đầu, đem treo lên được) và các
tác phẩm đó gọi là thi-họa-trục (shigajiku). Người nổi danh hơn cả về
loại tranh này là Taikô Josetsu (Đại Xảo Như Chuyết, sống vào thế kỷ
14-15) của chùa Shôkokuji (Tướng Quốc Tự) và Tenshô Shuubun
(Thiên Chương Chu Văn, người tiền bán thế kỷ 15). Tranh sơn thủy
Nhật Bản đã phát triển từ hình thức shigajiku "tranh cuốn có trục để
treo lên" như thế. Người đã hoàn chỉnh được thể loại này là Sesshuu
Tôyô (Tuyết Chu Đẳng Dương, 1420-1506), đệ tử của Shuubun.
Sesshuu còn để lại nhiều kiệt tác như "bức tranh cuốn vẽ cảnh bốn