gục bên đường là Đạt Ma hóa thân. Bởi trước kia có lúc Đạt Ma
khuyên Huệ Tư thác sinh về Nhật Bản nên đây là cuộc hội ngộ lần thứ
hai giữa hai người.
Chuyện này mới xem ra thì thấy kỳ quái nhưng thật tình nó
không khác truyền thuyết ở Trung Quốc trong Truyền Pháp Bảo Ký
(khoảng năm 720) nói rằng khi Đạt Ma chết và được đem chôn, lúc
đào mồ lên chỉ thấy một chiếc dép cỏ (chích lý) chứ trong áo quan
chẳng có người (Chích lý qui thiên thuyết thoại - Truyện chân mang
một chiếc dép về nước - về trời). Có lẽ vì Saichô ghi lại câu chuyện đó
trong Naishô Buppô Sôjô Ukechimyaku Fu narabini Jo (Nội Chứng
Phật Pháp Tương Thừa Huyết Mạch Phổ Bình Tự) tức là sách nói về
việc tiếp nhận mối đạo cho nên về sau người ta mới dựa vào để tạo ra
câu chuyện gặp gỡ giữa Đạt Ma và Shôtoku ở núi Kataoka. Truyện về
Đạt Ma sau đó còn thấy trong các tác phẩm văn học Nhật khác như
Konjaku Monogatari (Kim Tích Vật Ngữ, tiền bán thế kỷ 12) và
Kikigaki-shuu (Văn Thư Tập, cùng thời đại). Chúng cũng đều dựa trên
tác phẩm nói trên của Saichô như một điểm xuất phát.
Truyền thuyết kia cho ta thấy tự thời Nara, người ta đã chú ý đến
nhân vật Bồ Đề Đạt Ma, nhưng họ chỉ chú trọng đến ông vì lý do tôn
giáo nghĩa là nhân cách siêu việt chứ không phải tư tưởng của ông.
Tuy vậy, đến đời Kamakura, khi Thiền Tông đã xác định được chỗ
đứng ở Nhật thì như Koken Shiren (Hổ Quan Sư Luyện, 1278-1346)
đã viết trong Genkô Shakusho (Nguyên Hưởng Thích Thư, 1322),
truyền thuyết cuộc gặp gỡ ở núi Kataoka sở dĩ có chỉ vì người thời ấy
muốn nhấn mạnh quyền uy của Thiền, cho rằng mối quan hệ không
thể nào bình đẳng giữa Thiền và Nhật Bản . Vì lý do đó, đến đời Edo,
thuyết này đã bị các Nho gia như Hayashi Razan (Lâm, La Sơn, 1583-
1657) lên tiếng chỉ trích và ba thiền sư là Mangen Shiman (Vạn
Nguyên Sư Man, 1626-1710), Manzan Dôhaku (Vạn Sơn Đạo Bạch,
1636-1715), Menzan Zuihô (Diện Sơn Thụy Phương, 1683-1769)
phản công lại.