thủ như Tomo no Yoshio, (811-868, mất chức năm 866), Sugawara no
Michizane (Quản Nguyên Đạo Chân, 845-903, mất chức năm 901) và
Minamoto no Takaaki (914-982, mất chức năm 969) và củng cố vai trò
họ ngoại các thiên hoàng. Dần dần họ độc chiếm vai trò sesshô (nhiếp
chính) và kampaku (quan bạch) tức là đại thần đứng đầu triều có
quyền nghe lời tâu thay vua. Họ lại gồm thu hết các shôen (trang viên
hay thực ấp, lãnh địa của quí tộc), làm cho chế độ luật lệnh đi vào ngõ
cụt. Thế nhưng riêng cánh nhà Fujiwara thì nhờ chiếm hữu nhiều trang
viên đã trở nên cực kỳ giàu sang. Đặc biệt Michinaga (Đạo Trường,
966-1027) và Yorimichi (Lại Thông, 992-1074) là hai quyền thần đã
đánh dấu thời đại toàn thịnh của chế độ sekkan, tên tắt của hai chức
sesshô và kampaku.
Trong thời kỳ này, lâu lâu vẫn có những sứ bộ được gửi sang nhà
Đường. Hoạt động của các học tăng đi theo họ qua bên đó (nhập
Đường tăng) rất đáng kể. Cho đến khi Hoàng Sào nổi loạn (875-884)
làm cho vương triều nhà Đường suy vi thì theo lời tâu của Sugawara
no Michizane (845-903), năm 894, triều đình Nhật Bản mới quyết
định đình chỉ các chuyến đi goi là kentôshi (khiển Đường sứ) này. Tuy
vậy liên hệ giữa hai nước vẫn được các thương nhân và thường dân
duy trì. Các sách vở kinh văn vẫn được tiếp tục mang sang Nhật và
được họ trân trọng nhưng ở Trung Quốc, tình hình hỗn loạn quốc nội
thời Ngũ Đại Thập Quốc (907-960) đã làm cho chuyện đi lại của giới
tăng lữ dần dần thưa thớt.
Song song với những sự kiện kể trên, vào thời này, ở Nhật, người
trong nước đã tiếp thu và đồng hóa được văn hóa nhà Đường để có
bản sắc dân tộc riêng. Họ trở nên tinh tế. điêu luyện hơn trong cảm
xúc và ý thức thẫm mỹ. Thơ waka và dòng văn học cung đình do phụ
nữ chủ đạo đã chứng minh có sự hiện hữu của một nền văn hóa nước
nhà gọi là "quốc phong". Những tác phẩm như "Tuyển tập thơ Waka
xưa nay" (Kokin Wakashuu = Cổ Kim Hòa Ca Tập, 905), soạn theo
sắc chiếu đầu tiên, tập tiểu thuyết trường thiên "Truyện Genji" (Genji
Monogatari = Nguyên Thị Vật Ngữ, đầu thế kỷ 11) của bà Murasaki