việt có từ trước để tiện bề cai trị. Ngoài ra, hoạt động của các giáo
đoàn từ đó đã bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Thí dụ cụ thể là chính sách
của hai lãnh chúa Takeda Shingen (vùng Kai) và Imagawa Yoshimoto
(vùng Suruga, Mikawa) lúc đó và cũng là chính sách đối với Phật giáo
sẽ được tiếp nối bởi mạc phủ Tokugawa về sau.
*Sự suy thoái của hoạt động tham thiền. Khuynh hướng mật
tham bành trướng
Đến khoảng giữa thời Mạc phủ Muromachi (1333-1568) thì ở
những danh sát vùng Kyôto, bắt đầu với các chùa Gozan, hoạt động
tham thiền không còn được tổ chức nữa. Hết còn có chuyện lấy thể
nghiệm khai ngộ làm bằng chứng cơ bản để truyền giao pháp tự. Việc
kế tục ở các chùa bằng pháp tự theo pháp hệ của già lam dần dần trở
thành phổ biến. Mặt khác, trong khi các chùa lâm hạ ở địa phương hãy
còn có tục lệ "biến tham" (đi học đạo ở nhiều chùa khác nhau), việc
xem ấn khả như bằng cớ của sự phó pháp vẫn còn tồn tại nhưng nội
dung đã có nhiều thay đổi. Lối giải thích công án chịu ảnh hưởng của
những cách thức truyền giao bí quyết như "thiết chỉ tương thừa"
(kirigami sôjô)
của thần đạo và ca đạo, "cổ kim truyền thụ"
(kokindenjuu) của thơ waka và cách thức thần chú của Mật giáo mà
trở thành một pháp môn khẩu truyền. Phương pháp phó pháp hay trao
pháp tự bằng khẩu quyết đã trở thành phong trào. Lối tu thiền mới này
có tên là missanzen (thiền mật tham), nội dung bí mật của nó được ghi
lại trong những tư liệu mang tên missanroku (mật tham lục). Thế rồi,
lối tu thiền mật tham dần dần được phổ biến và các dòng thiền lâm hạ
không kể là Rinzai (Lâm Tế) hay Sôtô (Tào Động) đều trở thành thiền
mật tham. Rốt cuộc, phái Gozan cũn theo con đường đó. Tông Sôtô
trở thành mật tham kể từ thời Kaian Myôkei (Khoái Am Diệu Khánh,
1422-93) đến khai sơn chùa Daichuuji (Đại Trung Tự) ở tỉnh Tochigi,
sau đó thì khuynh hướng này mới lan rộng ra.
Nhờ có phong trào thiền mật tham mà một giáo đoàn trong hệ
thống lâm hạ là phái Genjuu (Huyễn Trú) mới có cơ hội hoạt động.