Ngày trước phái này xuất phát từ Trung Phong Minh Bản (hiệu Huyễn
Trú Am, 1263-1323), thiền sư đời Nguyên. Pháp ấy được truyền đến
vị tổ Nhật Bản của phái là Enkei Soô (Viễn Khê Tổ Hùng, 1286-1344)
ở chùa Kôgenji (Cao Nguyên Tự) trong xứ Tanba (nay là vùng Kobe,
tỉnh Hyôgo) nhưng nếu Genjuu có thể trở thành một tông phái hẳn hoi
là nhờ công lao của Ikke Sekiyuu (Nhất Hoa Thạc Do, 1447-1507)
thời Sengoku. Thời ấy, tuy họ không có một ngôi chùa để làm cơ sở để
thành lập giáo đoàn nhưng nếu họ dựa được trên pháp hệ của già lam
các phái khác thì cũng khó lòng phủ nhận sự tồn tại của họ. Hơn
nữa, họ có những hoạt động bố giáo và trao ấn khả, hòa nhập được vào
trong hoạt động Thiền Tông của khác tông phái khác. Chỉ cần những
phương pháp như vậy, phái Genjuu cũng bành trướng được thế lực.
Lần hồi, người của họ đã trở thành trụ trì của các danh sát như
Nanzenji hay Kenninji, xâm lấn cả địa hạt của Gozan. Do đó, ta không
thể phủ nhận một điều là qua các hoạt động của mình, phái Genjuu đã
thúc đẩy khuynh hướng thiền mật tham và cũng không thể nào quên
rằng trong việc hình thành tông Rinzai (Lâm Tế Nhật Bản) ngày nay,
phái ấy đã đóng một vai trò cực kỳ to tát.
Điều phải đề cập đến trước tiên là phái Genjuu đã giúp giải tỏa
các sự đối lập về môn phái trong nhóm Gozan. Ở các chùa thuộc nhóm
Gozan, nhiều môn phái đã dùng những tháp đầu làm điểm tựa và hoạt
động theo ý mình. Thế nhưng dù là người thuộc các môn phái khác
nhau, họ đều có một liên hệ chung theo hàng ngang với pháp hệ của
phái Genjuu. Chính vì vậy họ đã có những dịp hành động chung
không với danh nghĩa một môn phái nhưng với danh nghĩa một tự
viện. Chẳng hạn việc khai sơn một tự viện là một điều đáng tôn trọng,
vượt khỏi khuôn khổ một tông phái. Khuynh hướng này sẽ được đẩy
mạnh hơn dưới thời Edo nhờ ở chế độ gọi là honmatsu hay "gốc và
ngọn" (bản mạt chế độ)
và là cơ sở sửa soạn cho việc tổ chức các
giáo đoàn như ngày nay.