đi, khi lập ra giới đàn ở chùa Manfukuji, chính Ẩn Nguyên đã soạn ra
qui tắc Gukai Hôgi (Hoằng Giới Pháp Nghi, 1658) để tổ chức sự thụ
giới, thế rồi đệ tử của ông đã theo đó mà thực hành ở các địa phương.
Bởi vì tổ chức quá rầm rộ, bị các phái khác lên tiếng cho nên về sau
hình thức này chỉ còn được tổ chức ở Banfukuji và một chùa ở Edo là
Zuihôji (Thụy Thánh Tự). Tuy bị hạn chế như vậy nhưng các pháp hội
này đã là một kích thích cho cuộc vận động phục hưng giới luật vào
thời kỳ Edo. Trong chốn thiền lâm, không thiếu gì các tăng Lâm Tế và
Tào Động thụ giới ở các giới đàn Hoàng Bá hay tổ chức những "thụ
giới hội" và mời tăng sĩ tông Hoàng Bá đến tham dự. Để đề kháng lại
phong trào này, Manzan Dôhaku bắt đầu tổ chức thụ giới theo khuôn
khổ những nghi thức đề ra bởi Suuden (Sùng Truyền) cho nên trong
tông Tào Động, đã có những cuộc thảo luận sôi nổi về "thiền giới"
(thiền và giới) mãi đến khi có Dôjô Denkaiben (Động thượng truyền
giới biện, 1750) bàn về cách thức truyền giới của tông môn do Manjin
Dôtan (Vạn Nhận Đạo Đàn (1698-1775) chủ trường thiền và giới chỉ
là một (thiền giới nhất trí) thì tranh cãi mới tạm ổn định.
Các tăng sĩ đến từ Trung Quốc không những đưa sang thiền
phong mà còn cả những cái phong lưu của văn nhân đời Minh, để lại
dấu ấn sâu xa trong văn hóa Nhật Bản. Người ta gọi nó là "văn hóa
Hoàng Bá".Rõ ràng là các lãnh chúa và giới trí thức đã tiếp nhận các
tăng sĩ Hoàng Bá với tư cách nhà văn hóa hơn là nhà truyền giáo.
Tiêu biểu cho văn hóa Hoàng Bá là những nhân vật như Mokuan
Shôtô (Mộc Am Tính Thao, đã nói ở trên) và Sokuhi Nyoitsu (Tức Phi
Như Nhất, 1616-71) cũng như Dokutan Shôei (Độc Đam (Trạm) Tính
Oánh, 1628-1706) trong lãnh vực hội họa. Những người được ca tụng
như Ôbaku sanpitsu hay "ba cây bút của phái Hoàng Bá" (Hoàng Bá
tam bút) là Ẩn Nguyên, Tức Phi và Mộc Am, đều giỏi về thư đạo.
Dokuryuu Shôeki (Độc Lập Tính Dịch, 1596-1672) đại diện cho nghệ
thuật khắc triện (tức khắc chữ triện lên gỗ, đá, kim loại để làm ấn tín),
Nangen Shôha (Nam Nguyên Tính Phái, 1631-92) giỏi về thơ, Kôsen
Shôton (Cao Tuyền Tính Đốn, 1633-95) giỏi về văn. Họ còn có những