cống hiến lớn lao đối với trường phái Nam họa và thư đạo theo phong
cách Trung Quốc (Karayô shodô), văn học chữ Hán của thời tiền cận
đại của Nhật. Hơn nữa, còn có những nhân vật như tăng sĩ Nhật Bản
của phái Hoàng Bá, Gekkai Genshô (Nguyệt Hải Nguyên Chiếu,
1675-1763), vốn có dị danh là "Mãi Trà Ông" (Baisaô) vì đã có công
nâng cao và phổ biến nghệ thuật pha trà với loại trà sấy (sencha).
Ngoài ra, như đã nhắc đến, ảnh hưởng của tông Hoàng Bá còn
thấy trên lối kiến trúc chùa chiền theo kiểu Trung Quốc như ở
Manfukuji mà người ta gọi là "kiến trúc kiểu Hoàng Bá", chưa kể lối
tụng kinh thánh thót như hát của đời Minh gọi là bonbai (Phạm bái),
tiệc trà chay đại chúng gọi là fucha (phổ trà) mà những món ăn chủ
yếu là món điểm tâm làm bằng bột và dầu, đặt trên đĩa lớn rồi ăn
chung. Ở đây văn hóa Hoàng Bá đã trở thành một bộ phận của văn hóa
thiền.
Cũng nên nhắc đến Shin.etsu Kôchuu (Tâm Việt Hưng Trù) tuy
không thuộc phái Hoàng Bá, nhưng cũng là một thiền tăng đời Minh
sang Nhật. Ông đã được trọng thần và cố vấn của mạc phủ là
Tokugawa Mitsukuni (Đức Xuyên, Quang Quốc, 1628-1700) mời đến
lãnh địa ở Mito để hoạt động. Ông đặc biệt có tiếng về khắc triện và
thư đạo.
*Tiến trình của cuộc vận động phục hưng Phật Giáo
Cuộc vận động phục hưng Phật giáo do ba thiền sư Taigu
Sôchiku (Đại Ngu), Gudô Tôshoku (Ngu Đường) tông Lâm Tế và
Ban.an Eishu (Vạn An) tông Tào Động khởi xướng, đã phát triễn đến
mức độ cao vào giai đoạn này. Trong phong trào ấy xuất hiện hai tăng
sĩ ưu tú là Bankei Yôtaku (Bàn Khuê Vĩnh Trác) thuộc phái Quan Sơn
tông Lâm Tế và Manzan Dôhaku (Vạn Sơn Đạo Bạch ) tông Tào
Động. Cũng nên biết rằng Manzan là học trò của Gesshuu Sôko
(Nguyệt Chu Tông Hồ), người từng tham học với cả Ingen (Ẩn
Nguyên) và Dôsha (Đạo Giả). Điều này cho thấy cuộc vận động phục
hưng Phật giáo thời này đã mang dấu ấn của các tăng sĩ "độ lai".