Ông người vùng Tajima (gần Kobe bây giờ), tục tính là Kumada.
Năm 8 tuổi lên Kyôto và xuất gia, trở thành đệ tử Jikuin Somon (Trúc
Ấn Tổ Môn, 1610-1677) của Long Hoa Viện (Ryuugein) chùa
Myôshinji (Diệu Tâm Tự), người đã đứng ra vận động cho Ẩn Nguyên
tới trụ trì ở đấy. Sau đó Mujaku đã nhận pháp tự của thầy. Năm 25
tuổi, thầy mất, ông trở thành viện chủ đời thứ hai.Từ thưở nhỏ,
Mujaku đã hay ra vào nghe giảng kinh, sau có lúc tham học với đệ tử
của Taigu Sôchiku (Đại Ngu Tông Trúc) là Mokuin (Mặc Ấn, năm
sinh và mất không rõ), ba lần trong đời làm trụ trì ở Myôshinji. Từ khi
trẻ, ông đã đi nhiều nơi cầu học cho nên thu thập được nhiều kiến thức
trong nhiều lãnh vực từ Thiền tịch, Phật điển, Hán tịch, lịch pháp cho
đến tiểu thuyết Trung Quốc, văn chương cổ điển Nhật Bản, tham gia
vào việc sao chép và hiệu đính các văn bản cổ và quí hiếm. Có lúc lại
giảng nghĩa Thiền tịch và viết sách chú giải cũng như từ điển. Ông
trước tác rất nhiều, có đến 911 quyển và 374 thể loại khác nhau. Chủ
yếu có những tự điển và từ điển Zenrin Hôgo (Thiền Lâm Phương
Ngữ), Shina Zokugo (Chi Na Tục Ngữ), Zenrin Shôkisen (Thiền Lâm
Tượng Khí Tiên, 1715), Kattô Gosen (Cát Đằng Ngữ Tiên, 1726), các
sách chú giải như Kidôroku Rikô (Hư Đường Lục Lê Canh = Cày bới
Hư Đường Lục), các bản hiệu đính của Kosonshuku Goyo (Cổ Tôn
Tức Ngữ Yếu, 1731), Thiếu Lâm Tam Luận (tức Đạt Ma Đại Sư Tam
luận, 1735). Tất cả đều được biên soạn một cách nghiêm chỉnh và
công lao của ông vẫn được người đời nay đánh giá cao. Ngoài ra, đáng
chú ý hơn hết là Shôsôrin Ryakushingi (Tiểu Tùng Lâm Lược Thanh
Qui, 1684), một cuốn sách cho đến bây giờ còn sử dụng như kim chỉ
nam trong các đạo tràng Lâm Tế, Ôbaku Geki (Hoàng Bá Hạ Ký,
1720) phê phán phái Hoàng Bá và Eihei Shôbô Genzô Nenpei (Vĩnh
Bình Chính Pháp Nhãn Tạng Niêm Bề) để đả kích kịch liệt luận cứ
trong Shôbô Genzô. Sở dĩ Mujaku đã sớm có dịp nghiên cứu tác phẩm
nói trên của Dôgen là bởi vì ông quen biết nhiều tăng sĩ phái Tào
Động là Baihô Jikushin (Mai Phong Trúc Tín).