giáo nhất trí, hai thầy trò Genrô Ôryuu (Huyền Lâu Áo Long, 1720-
1813) và Fuugai Honkô (Phong Ngoại Bản Cao, 1779-1847) nổi tiếng
vì cùng nhau biên soạn tập công án Tetteki Tôsui (Thiết Địch Đảo
Xuy, trong đó Ôryuu tụng cổ và Honkô bình xướng). Riêng Fuugai
còn viết thêm các sách chú thích Thiết Địch Đảo Xuy Sao và Bích
Nham Lục Nhĩ Lâm Sao (1840) cũng như giải thích về thuyết Nho
Thần Phật tam giáo nhất trí trong tác phẩm Tam Giáo Đỉnh Túc Đàm.
Học vấn dưới thời Edo nếu phát triển được dĩ nhiên là nhờ ở sự
khuyến khích của mạc phủ, sự hoàn chỉnh của qui chế tự viện và cũng
là do sự ổn định của tình hình kinh tế. Tuy vậy, đối với giới tăng lữ vì
bị cấm đoán không thể phát triển ra ngoài phạm vi giáo đoàn, học vấn
là một trong những lãnh vực ít ỏi mà họ có thể hoạt động một cách
nghiêm túc. Một mặt, những thành quả đạt được không phải nhỏ
nhưng mặt khác, không thể nói là họ không có khuynh hướng làm ngơ
trước những đề tài đáng lẽ quan trọng hơn nhiều đối với người tu hành
như tình cảm và thể nghiệm tôn giáo hay vấn đề cứu độ người khác.
Trên thực tế, học vấn của họ chung qui chỉ ngừng lại ở phạm vi văn
bản học (philology) mà không biết đến thế giới hiện thực bao quanh
mình. Nhìn chung, ta thấy giới tăng sĩ thời đó ngoài việc dồn hết tâm
lực vào những điều nói trên thì không hưởng được tự do để làm được
một chuyện gì khác.
Cũng vào giai đoạn này, Phật giáo thường bị chỉ trích là đã lún
sâu vào con đường thế tục. Theo sách Seji Kenbunroku (Thế Sự Kiến
Văn Lục, 1816) của Buyô Inshi (Vũ Dương, Ẩn Sĩ) cho biết, trong khi
tông Tào Động có qui định phải tu hành trên 20 năm mới đạt được
trình độ trưởng lão hay đại hòa thượng thì trên thực tế, có những kẻ
chẳng cần tu hành gì cả, chỉ cần đóng 10 lượng là có thể trở thành hòa
thượng. Lại nữa, muốn trở thành trụ trì một danh lam như Eiheiji
(Vĩnh Bình Tự) phải bỏ ra một món tiền lớn là 2000 lượng. Do đó,
không mấy ai có thể chuyên tâm hành đạo.Còn như quan tâm đến việc
học, chẳng qua là một trò giải trí và cũng không đi ra ngoài con đường
thế tục hóa của tùng lâm.