Theo đó, về mặt chế độ, người đi tu và người thế tục hoàn toàn
không có gì khác nhau. Không còn có một giai tầng gọi là tăng lữ nữa.
Đáng lý ra đây là một vấn đề rất lớn thế mà chính phủ không xem là
như không có gì quan trọng và nhanh chóng thực thi. Rồi với thời
gian, trong các tự viện, chế độ thế tập đã được thực hành một cách phổ
thông (duy trường hợp các thiền tăng, nếu giữ vai trò sư gia (shige) thì
về sau vẫn không được có vợ).
Lại nữa, sau khi việc lập hộ tịch đã được hoàn bị, nhà nước
không còn cần áp dụng nguyên tắc terauke (mỗi đàn việt phải khai báo
mình phụ thuộc vào chùa nào), do đó tự viện xem như được tách ra
khỏi cơ cấu quản lý hộ khẩu. Tuy nhiên, trong bộ dân luật đem ra áp
dụng vào năm 1898, chế độ về gia đình vẫn tiếp tục như cũ cho nên
liên hệ giữa đàn việt và nhà chùa trên thực tế hầu như không có gì
khác trước. Và cũng vì thế, ý thức của giáo đoàn Phật giáo và tăng lữ
cũng không có thay đổi nào đáng kể.
*Hoạt động của các thiền tăng và cư sĩ
Trong thời kỳ này, có nhiều thiền tăng hoạt động mạnh mẽ. Hơn
nữa, có lẽ là hiện tượng của thời đại hay sao mà đã thấy xuất hiện
những nhân vật với tầm hoạt động rộng rãi chưa từng có. Về phía tông
Lâm Tế, sau khi phái Kogetsu (của Cổ Nguyệt Thiện Tài) suy vi, phái
Hakuin (của Bạch Ẩn Huệ Hạc) với nhiều thiền sư cự phách, đã thu
tông môn về một mối. Phái Hakuin có những người trong đám môn đệ
của Gizan Zenrai (Nghi Sơn Thiện Lai) như Okkei Shuken (Việt Khê
Thủ Khiêm, 1810-1884), người đã mở lại tăng đường ở chùa
Myôshinji (1878) hay Imakita Kôsen (Kim Bắc Hồng Xuyên tức Hồng
Xuyên Tông Ôn, 1816-1892), người đã đem tăng đường chùa
Engakuji trở lại thời hưng thịnh. Cũng phải kể đến Yuri Giboku (Do
Lợi Nghi Mục, 1822-1898) đã phục hồi Tenryuuji từ những đổ nát do
cơn binh lửa. Từ cửa Daisetsu Shôen (Đại Chuyết Thừa Diễn) thì có
Ogino Dokuon (Địch Dã Độc Viên, cũng được biết dưới tên Dokuon
Shôju, Độc Viên Thừa Chu, 1819-1895), trụ trì Shôkokuji và đảm
nhận chức kanchô cai quản cả Thiền Tông. Về đệ tử của Okkei