hương. Năm 1902, lần đầu tiên ông hướng dẫn người Mỹ tham thiền ở
Engakuji (Kamakura). Năm 1903, ông lại kiêm nhiệm chức kanchô
của phái Kenchôji (cũng ở Kamakura). Năm 1905, ông từ chức
kanchô để về trụ trì Tôkeiji (Đông Khánh Tự) cùng tỉnh. Cùng năm
đó, ông lại sang Hoa Kỳ và lần này, đem theo một người thông dịch
viên, không ai khác hơn là ...Suzuki Daisetsu (Linh Mộc Đại Chuyết,
1870-1966) để giúp chỉ đạo người Mỹ tu thiền. Năm 1914, ông trở
thành viện trưởng Viện Đại Học Lâm Tế, qua năm 1916, lại trở về làm
kanchô các chùa phái Engakuji. Tác phẩm để lại là Shaku Sôen
Zenshuu (Thích Tông Diễn Toàn Tập) gồm 10 quyển. Nhà tư tưởng
Tokutomi Sôhô (Đức Phú Tô Phong, 1863-1957) và các bạn có nhờ
ông làm giảng sư cho nhóm nghiên cứu mang tên là Hekigankai (Bích
Nham Hội) lúc hội mới thành lập. Sau này sẽ có những tên tuổi khác
như văn hào Natsume Sôseki (Hạ Mục Sấu Thạch, 1867-1916) và
chính trị gia Kôno Hironaka (Hà Dã Quảng Trung, 1849-1923) cùng
đến tham gia giảng dạy với ông. Phải nhấn mạnh một điều là ảnh
hưởng của nhóm này để lại rất là to tát.
Mặt khác, về phía phái Tào Động, hai nhân vật đáng chú ý hơn cả
là Hara Tanzan (Nguyên, Đàn Sơn, 1819-92) và Nishiari Bokuzan
(Tây Hữu Mục Sơn, 1821-1910). Hara trước tiên được mời đến dạy về
Phật giáo ở Đại Học Đế Quốc Đông Kinh, tiền thân của Đại Học Đông
Kinh bây giờ. Cái đặc sắc của Hara là ông chủ trương Phật giáo mà
mình dạy là một môn tâm lý học (tâm tính tâm lý học) chứ không phải
là một tôn giáo, rồi giải thích nó theo "chủ tri chủ nghĩa"
(intellectualism) nghĩa là phải trình bày thế nào cho hợp lý. Ông là
nhân vật đã xây dựng cho một môn học mà ngày nay ta gọi là Phật
giáo học. Còn Nishiari Bokuzan (Mục Sơn) thì được biết tiếng như
một Genzôka (Nhãn Tạng-gia) tức học giả chuyên trị tác phẩm Shôbô
Genzô (Chính Pháp Nhãn Tạng). Ông đã để lại 3 quyển hướng dẫn
học Chính Pháp Nhãn Tạng (Shôbô Genzô Keiteki = Chính Pháp
Nhãn Tạng Khải Địch
, 1930). Các môn đệ của ông như Akino