Kôdô (Thu Dã, Hiếu Đạo, 1858-1934), Oka Sôtan (Khâu Tông Đàm,
1860-1921) và Kishizawa Ian (Ngạn Trạch Duy An, 1865-1955) nối
tiếp việc làm của ông nhưng như Yasutani Hakuun (An Cốc Bạch Vân,
1885-1973) đã phê bình khá nghiêm khắc là lời giải thích của thầy trò
ông hãy còn quá hời hợt.
Thời đại này vốn nhiều biến động xã hội, cho nên người ta muốn
tìm về sự yên tĩnh trong tâm hồn. Hơn nữa, cũng có hiện tượng là các
thiền sư Imakita Kôsen (Hồng Xuyên) và Yuri Giboku (Nghi Mục) đã
tích cực chỉ đạo những người tu tại gia. Tất cả đưa đến việc danh sĩ
các giới đua nhau tham thiền và hoạt động của các cư sĩ đã gây được
sự chú ý. Những cư sĩ này đã tích cực đóng vai trò cư sĩ của mình qua
những hoạt động đa dạng như lập hội, xuất bản, giáo dục...bày tỏ mối
quan tâm của họ đến xã hội.
Trong số những cư sĩ theo học Kôsen và Giboku phải kể đến
người đã đóng vai trò trung gian giữa quan quân triều đình và mạc phủ
(để giải quyết sự xung đột giữa hai bên) là kiếm khách Yamaoka
Tesshu (Sơn Cương Thiết Chu, 1836-1888) và người đã lập ra Hộ
Quốc Hiệp Hội (sau đổi tên thành Myôdô Kyôkai hay Minh Đạo Hiệp
Hội) với mục đích truyền giáo là Torio Tokuan (Điểu Vĩ Đắc Am,
1847-1905). Nghệ sĩ rakugo (kể chuyện tếu chuyên nghiệp) tài ba
San.yuutei Enchô (Tam Du Đình Viên Triều, 1839-1900) cũng từng
tham thiền với Giboku và được tặng danh hiệu Muzetsu Koji (Vô
Thiệt Cư Sĩ) ý nói ông là kẻ đã đạt được trình độ diễn tả bên trên cả
ngôn ngữ. Về phía tông Tào Động, người có danh tiếng hơn cả là
Ôuchi Seiran (Đại Nội Thanh Loan, 1845-1918), một đệ tử của Hara
Tanzan (Nguyên Đàn Sơn, đã nhắc đến ở trên). Seiran đã đóng góp
nhiều trong việc biên tập Tu Chứng Nghĩa (Shuushôgi) trong quá trình
thành lập một đại đoàn thể có tính chất "tôn hoàng phụng Phật" (sonnô
hôbutsu) để rồi triển khai nó thành phong trào "ái quốc hộ Pháp" nghĩa
là kết hợp tôn giáo với chính trị.
Trong bầu không khí đó, đã có những tạp chí lấy tư tưởng Thiền
Tông làm cơ sở đã ra mắt. Tiêu biểu là Zenshuu (Thiền Tông, bắt đầu