vào năm 1894), Zengaku (Thiền Học, sau đổi tên thành Thiền, từ năm
1895), Wayuushi (Hòa Dung Chí, bắt đầu từ 1897, sau đổi tên thành
Thiền Học Tạp Chí rồi Đệ Nhất Nghĩa...), Zendô (Thiền Đạo, bắt đầu
từ 1910).
*Thiền Tông Nhật Bản (Zen) tiến ra thế giới
Thời đại này cũng là giai đoạn mà Phật Giáo đồ Nhật Bản bắt đầu
nhìn ra thế giới. Bối cảnh của việc đó là ảnh hưởng của tư tưởng khai
sáng đầu thời Meiji và sự phát triển của Nhật về mặt đối ngoại. Nó dẫn
tới hai kết quả: một là Phật giáo đồ xuất dương thăm viếng các nước
Âu Mỹ, hai là họ mở rộng hoạt động truyền giáo qua các thuộc địa của
Nhật.
Các tăng sĩ tông Lâm Tế như Shaku Sôen (Thích Tông Diễn) đã
nhiều lần ra nước ngoài (năm 1887 sang Tích Lan và Ấn Độ, năm
1893 và 1905 hai lần sang Mỹ). Theo lời khuyên của ông, Suzuki
Daisetsu cũng đã qua Mỹ du học suốt khoảng thời gian 1897-1909. Về
phần phái Tào Động thì kể từ năm 1901, họ đã gữi rất nhiều học tăng
và nhà truyền giáo sang Mỹ, Âu Châu và Ấn Độ du học với danh
nghĩa "Tào Động tông hải ngoại lưu học sinh". Trong số tăng sĩ du
học, có những nhân vật như Ômori Zenkai (Đại Sâm Thiền Giới,
1871-1947), Nukariya Kaiten (Hốt Hoạt Cốc Khoái Thiên, 1867-
1937), Ui Hakuju (Vũ Tỉnh Bá Thọ, 1882-1963). Khi về nước, du học
sinh đã mang theo phương pháp luận Âu Mỹ và nhân đó, khi nghiên
cứu về Thiền, họ nhìn được thế đứng của nó trong một khung cảnh
học thuật rộng lớn hơn, bao gồm cả Phật giáo học, tôn giáo học, lịch
sử học lẫn triết học. Ngoài ra những nhà trí thức Nhật Bản thấu đáo
văn minh Tây Phương hãy còn biết vượt lên trên giới hạn này để chỉ
ngưng tụ cái nhìn của họ vào Thiền mà thôi. Nếu nhìn vào tác phẩm
như Mon (Cánh Cổng) của văn hào Natsume Sôseki (1867-1916) hay
Zen no Kenkyuu (Nghiên cứu về điều Thiện) của triết gia Nishida
Kitarô (1870-1945), ta sẽ nhận ra rằng Thiền đã vượt qua khỏi ngưỡng
cửa Phật Giáo để hòa nhập vào văn học và triết học.