của một người có bút hiệu là Hama Hôô (Phá Ma Pháp Vương) mà tên
thật không ai biết. Nó nhằm tung ra trước công luận những lời giải
thích về các công án đã truyền trong mật thất của trường phái Hakuin.
Mặt khác, tông Tào Động lúc đó cũng có những nhà thực hành có
hoạt động xuất sắc như Harada Sogaku (Nguyên Điền Tổ Nhạc) và
Sawaki Kôdô (Trạch Mộc Hưng Đạo, 1880-1965) và có thể việc làm
của hai ông mới là nét đặc sắc của Tào Động thời ấy.
Harada lúc đầu đã theo học Oka Sôtan (Khưu, Tông Đàm) và
Akino Kôdô (Thu Dã, Hiếu Đạo) nhưng thất vọng nên mới sang học
Lâm Tế và đạt được thể nghiệm kiến tính với thầy mới là Toyoda
Dokutan (Phong Điền, Độc Đam (Trạm)). Vì lý do đó Harada đã đem
công án Thiền vào tông Tào Động và đứng trên quan điểm coi việc đạt
được giác ngộ (satori) là điều không thể thiếu được để tranh cãi với
lập trường cổ điển mà nhóm theo Nukariya Kaiten (Hốt Hoạt Cốc)
bênh vực. Harada về Obama (tỉnh Fukui) mở đạo tràng ở Hasshinji
(Phát Tâm Tự) để dạy đàn hậu tiến. Đương thời, trong vòng tông Tào
Động, người ta đã tuyệt vọng về khả năng tu chứng của tông phái
mình. Do đó một nhân vật Tào Động giữ địa vị cao như Watanabe
Genshuu (Độ Biên, Huyền Tông, 1869-1963) chùa Sôjiji (Tổng Trì
Tự) đã khuyên học trò mình tìm đến tăng đường Lâm Tế mà học
Thiền. Về phần Harada, ông đã qui tụ chung quanh mình nhiều nhà tu
hành có tiếng như Iida Tôin (Phạn Điền Đảng Ẩn, 1863-1937),
Imanari Kakuzen (Kim Thành, Giác Thiền, 1871-1961) và Yasutani
Hakuin (An Cốc , Bạch Vân). Nhân vì Harada hết sức tự tin về thể
nghiệm giác ngộ của chính mình cho nên quay sang phê phán cả tổ
của tông là Dôgen vì ông này xem thường việc kiến tính, đến độ giải
thích rằng Dôgen mới chỉ làm được một công việc còn dang dở (Đạo
Nguyên Thiền Sư Vị Hoàn Thành Phẩm). Đành rằng về sau, dưới áp
lực của tông môn, Harada phải rút lại thuyết của mình trước công
chúng nhưng nói chung, trên cơ bản, ông vẫn không chịu xê dịch một
ly lập trường cũ. Các đệ tử của ông như Imanari (Kim Thành) và
Yasutani (An Cốc) cứ y như thế mà kế thừa quan điểm của thầy. Cho