cao tăng Eisai và Dôgen nhờ đó lại một lần nữa có cơ hội chuyển về
Nhật Bản tư tưởng của Thiền Tông Trung Quốc, lúc đó đang ở trong
giai đoạn sung mãn và hưng thịnh nhất.
Những người sớm biết lập chùa để có cơ sở bố giáo cũng như đào
tạo học trò tiếp tục sự nghiệp của mình, để lại ảnh hưởng lớn đến xã
hội thời đó là hai thiền tăng: Myôan Eisai (còn được đọc là Yôsai,
Minh Am Vinh Tây, 1141-1215) và Dainichi Nô.nin (Đại Nhật Năng
Nhẫn, năm sinh năm mất không rõ).
Trong cuộc đời của Eisai, hai lần ông đã đến Trung Quốc. Trong
lần thứ hai, ông đã nhận được pháp của cao tăng tông Lâm Tế phái
Hoàng Long là Hư Am Hoài Sưởng (năm sinh năm mất không rõ) rồi
về nước (1191). Sau đó, ông bị các tăng lữ trên núi Hieizan hãm hại vì
cho là đề xướng tà thuyết nhưng nhờ thế lực của Hôjô Masako và
Minamoto no Yoriie (mẹ con Shôgun đời thứ hai của mạc phủ
Kamakura), hai người này đã qui y với ông, nên ông đã mở được chùa
Jufuji (Thọ Phúc Tự) ở Kamakura (vào năm 1200) và Kenninji (Kiến
Nhân Tự) ở Kyôto (1202) sau đó ra sức truyền bá Thiền Tông. Môn hạ
ông có những người ưu tú như Myôzen (Minh Toàn, 1184-1225),
Taikô Gyôyuu (Thoái Canh Hành Dũng, ? - 1241), Eichô (Vinh Triều,
? - 1247) (họ lập được môn phái gọi là Thiên Quang Phái). Từ cửa các
cao đồ ấy đã đào tạo được Dôgen (Đạo Nguyên), Shinchi Kakushin
(Tâm Địa Giác Tâm, tức Hotto Kokushi = Pháp Đăng Quốc Sư, 1207-
1298, từng theo học Eichô), Tôfuku Enni (Đông Phúc Viên Nhĩ, còn
gọi là Shôichi Kokushi = Thánh Nhất Quốc Sư, 1202-80). Như ai cũng
biết là ba ông Dôgen, Kakushin, Enni đều nhập Tống và truyền Thiền
về Nhật, mở ra được môn phái riêng.
*Thiền sư Myôan Eisai (Minh Am, Vinh Tây, 1141-1215), ông
tổ của trà đạo?
Ông người đất Bichuu (nay là Okayama), năm 11 tuổi vào tu ở
chùa Anyôji (An Dưỡng Tự) nơi quê nhà. Đến năm 13 tuổi, lên núi
Hieizan theo phái Tendai rồi đến núi Ôyama ở Tottori học Mật Giáo.
Năm 1168 vào đất Tống lần thứ nhất, đi hết các núi Thiên Thai và A