Enni tự mình mang giáo lý trong Phật Pháp Đại Minh Lục giảng
thuyết "tam giáo nhất trí" cho Hôjô Tokiyori (Bắc Điều Thì Lại, 1227-
1268)
. Ông lại dùng Tông Kính Lục để trình bày tư tưởng "Giáo
Thiền nhất trí" cho Thiên hoàng Go-Saga (Hậu Tha Nga, thứ 88, trị vì
1242-46). Nghe nói ông còn tự mình trước tác Dainichikyô Kenbun
(Đại Nhật Kinh Kiến Văn), một quyển sách có liên quan đến Mật
Giáo. Tư tưởng muốn dung hợp các giáo lý khác nhau của Enni đã
được người đương thời chấp nhận một cách rộng rãi. Ông đã dạy dỗ
được nhiều nhân tài như Tôzan Tanshô (Đông Sơn Đam Chiếu, 1231-
91), Mukan Fumon (Vô Quan Phổ Môn, 1212-91), Hakuun Egyô
(Bạch Vân Huệ Hiểu, 1228-1297), Chigotsu Daie (Si Ngột Đại Huệ,
tức Phật Thông Thiền Sư, 1229-1312)...Họ đều là những nhà truyền bá
Thiền Tông có tiếng, riêng Chigotsu Daie đã khai sơn Anyôji (An
Dưỡng Tự) và Daifukuji (Đại Phúc Tự), đưa Thiền tiến về vùng Ise
(tỉnh Mie ngày nay).
*Kakushin (Giác Tâm) và Enni (Viên Nhĩ)
Thiền sư Shinchi Kakushin (Tâm Địa Giác Tâm) quê vùng
Shinano (tỉnh Nagano bây giờ), tên thế tục là Tsuneuji (Hằng Thị),
hiệu Muhon (Vô Bản). Năm 29 tuổi mới xuất gia thụ giới, học Mật
Giáo trên núi Kôyasan. Thờ Taikô Gyôyuu (Thái Canh Hành Dũng)
lúc đó ở Kim Cương Tam Muội Viện làm thầy, rồi theo ông đến
Jufukuji (Thọ Phúc Tự). Sau khi tham học với Dôgen và Eichô, năm
1249 nhập Tống cầu đạo. Ông nhận pháp tự của Vô Môn Huệ Khai
(1183-1260) xong về nước, lại lên núi Kôyasan tu hành. Lúc về, ông
có mang theo tác phẩm Vô Môn Quan của Huệ Khai. Năm 1258, ông
khai sơn Saihôji (Tây Phương Tự, sau đổi tên thành Kôkokuji = Hưng
Quốc Tự), định trú ở vùng Yura xứ Kii và ra sức truyền đạo. Thái
thượng hoàng Kameyama (Qui Sơn, thứ 90, sống 1248 -1305, trị vì
1260-74) đến qui y với ông, nghe nói có mời ông đến trụ trì thiền viện
mới mở (tức Nanzenji = Nam Thiền Tự về sau) nhưng ông không
nhận. Được Thái thượng hoàng Kameyama và Thiên hoàng Go-Daigo