Kinh. Dù vậy, kangô bôeki (khám hợp mậu dịch) cũng chỉ tổ chức
được có 17 lần. Sau khi kẻ nắm thực quyền chỉ huy những chuyến đi
này là họ Ôuchi (Đại Nội) bị diệt vong thì chuyến đi năm 1547 trở
thành chuyến chót.
Sở dĩ có nhiều danh tăng Trung Quốc đến Nhật Bản là vì chính
quyền Hôjô ở Kamakura và tầng lớp võ sĩ cao cấp rất nhiệt tình trong
việc đón tiếp họ. Sau khi Lan Khê Đạo Long chết rồi, Hôjô Tokimune
muốn mời danh sư Trung Quốc khác đến để dạy Thiền. Vô Học Tổ
Nguyên đã đáp lời mời của ông đến Kamakura, sau đó Đông Minh
Huệ Nhật và Thanh Chuyết Chính Trừng cũng nhận lời mời của hai
shikken kế tiếp là Hôjô Sadatoki và Hôjô Takatoki, lên đường qua
Nhật. Lại nữa Minh Cực Sở Tuấn và Trúc Tiên Phạm Tiên cũng nhận
lời mời của các võ tướng Adachi Takekage (An Đạt Cao Cảnh, năm
sinh năm mất không rõ) và Ôtomo Sadamune (Đại Hữu, Trinh Tông, ?
- 1333) mà sang Nhật truyền đạo.
Thế nhưng việc các ông ra nước người cũng còn có động cơ
khác, đó là tình hình quốc nội. Đương thời, triều đình nhà Nguyên của
tộc Mông Cổ đã đặt xong nền móng cai trị Trung Quốc. Các thiền tăng
không thể nào thích thú được trước cảnh tượng làm bầy tôi cho ngoại
tộc như vậy nên tìm đường ra nước ngoài hoạt động. Chẳng hạn Nhất
Sơn Nhất Ninh, được gửi theo sứ bộ nhà Nguyên sang Nhật, đã xin ở
lại, ra sức truyền bá Thiền Tông dưới sự bảo trợ của shikken Hôjô
Sadamune.
Thiền bám rễ ở Nhật
Như thế, Thiền đã bắt đầu có tiếng nói ở Nhật. Nói chung, dù
được bình yên để truyền đạo nhưng các thiền sư không phải không gặp
sự chống đối nào. Rokujô Arifusa (Lục Điều, Hữu Phòng, 1251-1319),
tác giả Nomori no Kagami
(Dã Thú Kính, 1295) là một trong
những người chống đối. Thế nhưng, chính ông Rokujô này sau lại qui
y với Nhất Sơn Nhất Ninh, đủ thấy sức mạnh của Thiền đã thấm sâu
vào giai cấp lãnh đạo thời ấy đến mức nào.