chấp nhận điều đó. Từ ấy, Nanzenji vừa là chùa của hoàng gia, vừa giữ
được đặc tính của hệ phái (và đứng vượt lên trên) Gozan tức 5 chùa
của Ngũ Sơn Nhật Bản. Tiền lệ đó sẽ làm cho các chùa Thiền không
những được sự ngoại viện, bảo hộ của mạc phủ mà của cả hoàng gia
nữa. Cùng lúc, địa vị của Thiền trong giới Phật Giáo được xác định và
đấy là một sự kiện hết sức quan trọng.
*Mukan Fumon (Vô Quan Phổ Môn)
Sư người Shinano (thuộc tỉnh Nagano bây giờ), mới 7 tuổi đã
xuất gia. Năm 19 vào chùa Chôrakuji (Trường Lạc Tự) ở Ueno (tỉnh
Gunma bây giờ) theo Eichô (Vinh Triều) học cả Mật Giáo lẫn Hiển
Giáo. Sau đó ông lại tham thiền với Tôfuku Enni và nhận pháp tự.
Năm 1251 nhập Tống, đi khắp nơi cầu đạo suốt 12 năm. Khi về nước,
tiếp tục tu hành ở các chùa Tôfukuji (Đông Phúc Tự) và Jufukuji (Thọ
Phúc Tự). Năm 1291, Thiên hoàng Kameyama sau khi quy y Thiền
bèn lấy ly cung Ryuuzan (Long Sơn) của mình để dựng một ngôi chùa
tiếng tăm. Đó là Nanzenji (Nam Thiền Tự). Mukan Fumon được vinh
dự khai sơn những chẳng bao lâu ông qua đời. Được truy tặng danh
hiệu Phật Tâm Thiền Sư và Đại Minh Quốc Sư.
Đất Kyôto sau đó còn mọc thêm một ngôi chùa mới cũng rất
tiếng tăm: Daitokuji (Đại Đức Tự, 1326). Người khai sơn là Shuuhô
Myôchô (Tông Phong Diệu Siêu, tức Daitô Kokushi (Đại Đăng Quốc
Sư, 1282-1336). Chùa tuy được xây dựng bằng tiền tiến cúng của
những người quy y nhưng về sau, khi Thái thượng hoàng Hanozono
(thứ 95, trị vì 1308-18) và Thiên hoàng Go-Daigo (Hậu Đề Hồ, thứ
96, trị vì 1318-39) cũng quy y, thì đến năm 1325, nhận được sắc lệnh
đổi chùa thành đạo tràng của hoàng gia. Đặc biệt Thiên hoàng Go-
Daigo gọi nơi ấy là "bản triều vô song thiền uyển". Ông đặt Daitokuji
ngang với vị trí của Nanzenji. Từ đó, nó trở thành chùa "nhất phái
tương thừa", độc quyền ấy dành cho hệ phái Shuuhô Myôchô tức phái
Đại Đăng (Daitô-ha). Sau khi Myôchô mất, học trò nhận pháp tự của
ông là Tettô Gikô (Triệt Ông Nghĩa Hưởng, 1295- 1369) tiếp tục trụ trì