(Phạm Võng Kinh Sớ) để trình bày rõ ràng quan điểm về giới luật của
ông. Việc ông thu nhận được một học trò giỏi là Gyôhyô (Hành Biểu,
722-797) cũng đáng chú ý. Như vậy ta có thể xem rằng tư tưởng của
Đạo Tuyền là sự kết hợp giữa Thiền Bắc Tông và giới luật, nhưng
chuyện này không lấy gì làm lạ bởi vì ở chùa Ngọc Tuyền (Kinh
Châu, nơi Thần Tú trụ trì) người ta đã làm một việc giống như vậy
nghĩa là tạo nên một hệ tư tưởng mang tên Ngọc Tuyền Thiên Thai
(Đạo Tuyền rất tinh thông giáo lý Thiên Thai). Do đó, ta có thể suy
luận rằng là một người bước ra từ trào lưu đó, Đạo Tuyền đã biết
nương theo để gây dựng ra một lối suy nghĩ cho riêng mình.
Về sau, Đạo Tuyền lánh về Hisosanji (Tỉ Tô Sơn Tự) ở vùng
Yoshino và dốc tâm tu Thiền, đã để lại ảnh hưởng cho lớp nhà tu lấy
rừng núi làm nơi tu dưỡng. Gyôhyô cũng là một trong những người ấy.
Một nhà tu nổi tiếng đã xuất hiện từ cửa của Gyôhyô, ấy là Saichô
(Tối Trừng, 767-822).
Việc nhận định có một hệ phổ truyền từ Đạo Tuyền qua Gyôhyô
đến Saichô là một điều rất quan trọng. Riêng Saichô thì ai nấy đều rõ,
ông là khai tổ tông Tendai (Thiên Thai Nhật Bản). Tư tưởng "tứ chủng
tương thừa" (shishusôjô) tức là thừa kế cùng một lúc bốn hệ tư tưởng
Viên (Thiên Thai), Mật (Mật Giáo), Thiền (Thiền Tông), Giới (Đại
Thừa Giới) của ông có lẽ đã bắt nguồn từ cơ sở tư tưởng Ngọc Tuyền
Thiên Thai do Đạo Tuyền đem qua và truyền lại. Hơn nữa, tư tưởng
này sẽ là động cơ giúp cho Thiền Tông được di chuyển dần dần qua
Nhật vào thời Heian (Bình An, 794-1185) đến sau.
Lại nói về thời Nara thì tăng lữ thuộc Thiền Tông từ bên nhà
Đường sang, ngoài Đạo Tuyền, không nghe nói đến ai khác nhưng thật
ra, Thiền Tông du nhập vào đất Nhật không chỉ giới hạn qua sự trung
gian của con người (thiền tăng) mà thôi. Biết bao nhiêu sứ giả được
gửi sang nhà Đường (gọi là kentôshi = khiển Đường sứ) trở về nước
đã mang theo sách vở và trong đó, dĩ nhiên có cả những trước tác liên
quan đến Thiền Tông, lúc bấy giờ rất phồn thịnh ở Trung Quốc. Cũng
có thể là những trước tác thuộc các bộ môn khác nhưng liên hệ mật