Theo đà đó, lần hồi trong chùa thấy xuất hiện những sở thích có
tính văn nhân. Vào thời đại ấy, sự qua lại của tăng sĩ hai nước Nhật
Trung rất thường xuyên. Đáng kể có Đông Lăng Vĩnh Dư ( Tôryô
Eiyo, 1285-1365) thuộc tông Tào Động phái Hoằng Trí từ Trung Quốc
sang Nhật năm 1351 theo lời mời của Ashikaga Naoyoshi. Ngoài ra
còn có Tesshuu Tokusai (Thiết Chu Đức Tế, ? -1366, về Nhật khoảng
năm 1344), Ryuuzan Tokuken (Long Sơn Đức Kiến, 1284-1358, về
Nhật 1350). Zekkai Chuushin (vào đất Minh năm 1368), Chyuuhô
Chuushô (Trọng Phương Trung Chính, 1373-1451, vào đất Minh năm
1401) cũng từ bên đó lần lượt trở về. Các tăng sĩ này đã đem theo rất
nhiều sách vở cũng như văn hóa phẩm. Những món "hàng ngoại quốc"
gọi là karamono (Đường vật)
này trở thành đối tượng cho mọi ước
mơ của những người trợ giúp họ tức là giới vũ tướng quí tộc của Mạc
phủ Muromachi. Sở thích Trung Quốc của giới này đã được thỏa mãn
khi họ tiếp xúc với giới tăng lữ du học đầy kiến thức Hán Văn và Chu
Tử Học mà họ tôn sùng. Do đó, các thiền tăng Gozan đóng vai trò nhà
văn hóa nhiều hơn là nhà tôn giáo. Thế rồi, để nới rộng quan hệ xã
giao, người trong tháp đầu tổ chức các buổi bình thơ và nơi đó trở
thành địa điểm cho thiên hạ có dịp trổ tài.
Không đến tăng đường để tu hành nữa thì đương nhiên không có
cách đạt được thể nghiệm khai ngộ. Tuy nhiên phái Gozan có dưới tay
rất nhiều chùa chiền, việc cung cấp người trụ trì cho những nơi đây là
việc cần thiết. Do đó mới có lệ là người đi tu sau một thời gian dài học
với thầy, cho dầu chưa được khai ngộ và sức chỉ dừng ở chỗ hiện đang
có thôi, cũng có thể nhận pháp tự của thầy. Khuynh hướng ấy hình
như đã bắt đầu từ giữa thế kỷ 14. Thiền sư Chuugan Engetsu (Trung
Nham Viên Nguyệt, 1300-75, trở lại Nhật năm 1332) sau khi về nước
nhà, vì đã cho biết mình là pháp tự của Đông Dương Đức Huy (người
tiền bán thế kỷ 14), một người nhận ấn khả ở Trung Quốc, thế mà bị
các đồ đệ của người thầy cũ của mình như Tômyô E.nichi (Đông Minh