Hơn nữa, khi nói đến tôn giáo thời Kamakura người ta không chỉ
luận bàn về Phật giáo mới mà còn đề cập đến cả Phật giáo cũ
(Kyū-Bukkyō) và các hình thức Thần Phật tập hợp. Các tự viện lớn
của Thiên Thai tông và Chân Ngôn tông, tức là Phật giáo Hiển Mật
(Kenmitsu Bukkyō)
, vào thời trung thế cũng có những trang viên
và có sức ảnh hưởng về chính trị to lớn dựa trên tiềm lực kinh tế
vững mạnh. Còn ảnh hưởng về xã hội của các tông phái Phật giáo
mới thì phải đợi đến thời Muromachi sau đó.
Điều mà những năm gần đây được chú ý với tư cách là tư tưởng
của Phật giáo Hiển Mật là Bản giác (Honkaku). Tư tưởng Bản giác
công nhận và đánh giá cao hiện thực. Đây chính là tư tưởng được
người Nhật bản địa hóa nhất. Bản giác là từ xuất hiện trong Đại
thừa khởi tín luận (tương truyền do Chân Đế dịch và rất có khả
năng đã được người Trung Quốc tuyển chọn vào khoảng thế kỷ V-
VI). Tuy nhiên, chúng ta khó có thể tìm thấy từ này trong các thư
tịch Ấn Độ và có thể phán đoán rằng, đây là từ được hình thành ở
Trung Quốc. Bản giác chính là nguyên lý của sự giác ngộ ở trong tâm
của chúng sinh đang lầm lạc và cũng đồng thời là sự giác ngộ mà
con người cần hướng đến. Đối ngược lại với Bản giác là Vô giác, tức
tình trạng lầm lạc, không tự giác thức được về mình. Quá trình
tiến từ Vô giác đến Bản giác được gọi là Thủy giác.
Như vậy, Bản giác vốn là nguyên lý nội tại và sự giác ngộ mà con
người cần hướng đến, chứ không phải là sự công nhận tình trạng
hiện tại. Tuy nhiên, nếu tính đến thời điểm mà Bản giác đã được
thực hiện thì có thể xem hiện thực đó là sự thực hiện nguyên lý tối
cao. Tư tưởng Bản giác bị phê phán từ thời kỳ này và cho đến cả ngày
nay do rơi vào quan niệm Tu hành bất yếu luận (Shugyō Fuyō-ron,
tức lý luận chủ trương không cần tu hành - ND). Tuy nhiên, cũng
chính vì vậy mà tư tưởng này đã thích ứng được với văn hóa thời