"Tôn Tử binh pháp", là một trước tác quân sự kiệt xuất sớm nhất của Trung
Quốc.
KHỔNG TỬ CHU DU CÁC NƯỚC
Với sự giúp đỡ của Ngữ Tử Tư và Tôn Vũ, Ngô vương Hạp Lư đánh
bại được nước Sở, thanh thế rất lớn, ngay một số nước ở trung nguyên cũng
bị uy hiếp, trước hết là nước Tề. Nước Tề từ sau khi Tề Hoàn Công mất đi,
trong nước luôn mất ổn định. Đến khi Tề Cảnh Công lên ngôi vua, dùng
được một đại thần tài giỏi là Án Anh làm tướng quốc, đổi mới triều chính,
nước Tề mới hưng thịnh trở lại.
Năm 500 TCN Tề Cảnh Công và Án Anh muốn lôi kéo nước Lỗ láng
giềng cùng các nước chư hầu khác, xây dựng lại nghiệp bá thời Tề Hoàn
Công, liền viết thư cho Lỗ Định Công, hẹn cùng nhau hội họp ở Giáp Cốc,
trên biên giới Tề-Lỗ. Lúc bấy giờ, khi chư hầu hội họp đều phải có một trợ
thần làm trợ thủ, gọi là "tướng lễ". Lỗ Định Công quyết định để quan tư
khấu (quan đứng đầu ngành tư pháp) nước Lỗ là Khổng Tử đảm nhiệm
công việc đó.
Khổng Tử tên là Khổng Khâu, tự là Trọng Ni, người Ấp Trâu (nay ở
đông nam Khúc Phụ, Sơn Đông). Cha ông là một võ quan cấp thấp, đã mất
khi ông mới ba tuổi. Mẹ ông đưa ông đến Khúc Phụ, nuôi dạy ông thành
người. Theo nói lại, từ nhỏ ông đã thích học lễ tiết, khi nhàn rỗi thường học
theo người lớn làm nghi thức tế lễ trời đất tổ tiên. Khi lớn lên, Khổng Tử
học hành chăm chỉ, ông hết sức sùng bái Chu Công, người đã đặt ra lễ nhạc
cho nhà Chu. Ông am hiểu lễ tiết thời cổ, tương đối tinh thông "lục nghệ",
tức là lễ tiết, âm nhạc, bắn tên, đánh xe, viết chữ, tính toán (lễ, nhạc, xạ,
ngự, thư, số) là những môn học chính thời đó. Ông làm việc nghiêm túc,
khi còn làm chức lại nhỏ giữ kho, không bao giờ để mất mát vật tư. Sau lại
làm chức quản lí gia súc, đã làm gia súc lớn mau, sinh đẻ nhiều. Khi chưa
đầy 30 tuổi, tiếng tăm đã dần dần lan rộng.