đúng thì ta có thể hình dung cơ sở của chính quyền đô hộ ở Đại La lớn
mạnh đến dường nào. Tất nhiên, số nhà đó không phải cất dựng cho dân,
mà là kho tàng, công sở, đồn trại và nhà ở của quan lại văn võ.
Trong số cư dân ở Đại La, bên cạnh người Việt chắc chắn còn gia
nhân của quan lại, binh lính, cả các loại thương nhân, sĩ nhân, thợ thủ
công... của phương Bắc theo chân đến sinh sống lập nghiệp ở Đại La,
không phải là ít. Nói rõ hơn, một xã hội phương Bắc thu nhỏ gắn bó máu
thịt với chính quyền đô hộ từng tồn tại ở Đại La có lịch sử hàng 2 - 3 thế
kỷ. Bước vào thế kỷ X, chính quyền đô hộ bị quét sạch nhưng cái xã hội
phương Bắc thu nhỏ đó trừ một số rút về nước, còn lại vẫn tồn tại chưa phải
đã quên quá khứ với những nuối tiếc, khát khao sự quay trở lại của chính
quyền đô hộ. Họ chưa sẵn sàng hợp tác với sự quản lý của người Việt.
Không những thế, họ là lực lượng bên trong, tiếp tay cho kẻ thù một khi
chúng quay trở lại. Để có được một sự hòa hợp, gắn kết với chính quyền tự
chủ của người Việt cũng phải có thời gian, ít nhất là ba, bốn đời tiếp theo.
Điều đó chưa có ở thế kỷ X.
Vị trí trống trải, xã hội phức tạp của Đại La chưa thuận tiện nếu
không muốn nói là bất lợi cho việc định đô ở đây. Ngô Quyền, Đinh Tiên
Hoàng chọn phương án khác. Ngô Quyền định đô ở Cổ Loa, cách Đại La
không xa bên tả ngạn sông Cái về phía thượng nguồn. Về mặt địa lý Cổ
Loa không thấp trũng như Đại La nhưng cũng trống trải, lại không có sông
lớn che chắn mặt đông bắc như một hào lũy thiên thành của Đại La. Cổ Loa
có thuận lợi lớn về mặt cấu trúc, đó là một tòa thành gồm 3 vòng hào lũy
kiên cố từng là kinh đô của nước Âu Lạc thời Thục An Dương Vương. Về
sau, Mã Viện đã cho sửa đắp thêm khi biến Cổ Loa thành lỵ sở của huyện
Phong Khê vào những năm đầu Công nguyên. Mặc dù cho đến nay giới
khảo cổ học chưa phát hiện được dấu tích xây dựng Kinh đô Cổ Loa thời
Ngô Quyền, nhưng hiện dạng của Cổ Loa cho phép ta hình dung lại hơn
một nghìn năm trước (từ 939 đến 2009), tòa cổ thành được Ngô Quyền
chọn làm nơi đóng đô có quy mô, bề thế đến mức nào. Định đô ở Cổ Loa,
Ngô Quyền không chỉ có thuận lợi về mặt lợi dụng được một hệ thống