thành hào phòng ngự rất tốt đã có sẵn mà điều không kém phần quan trọng
khác là ông tránh được sự đeo bám của một xã hội phức tạp với những hậu
quả khôn lường ở Đại La. Rất tiếc, sử sách hầu như không ghi chép những
gì đã được xây dựng, tồn tại ở Kinh đô Cổ Loa thời Ngô Quyền. Sự thiếu
vắng những di tích và ghi chép đó cùng với thời gian tồn tại ngắn ngủi của
Ngô vương Quyền ở Cổ Loa (từ 939 đến 944) khiến người ta nghĩ đến
Kinh đô Cổ Loa trên thực tế chỉ tồn tại như một quân thành, một nơi đóng
giữ của bộ máy quản lý nhà nước còn nặng về mặt quân sự hơn là hành
chính.
Chủ trương tránh nơi nguy hiểm từng là vị trí đầu não của kề thù đô
hộ, trở lại với hệ thống thành hào kiên cố có nguồn gốc lâu đời của đất
nước từ thời vua Thục là hiện thân của tư tưởng phòng vệ của Ngô Quyền.
Là nhà quân sự tài ba đồng thời là người đứng đầu đất nước vừa mới giành
được tự chủ, Ngô Quyền hẳn phải nghĩ đến việc đề phòng khả năng tái xâm
lược của kẻ thù phương Bắc và bảo vệ sự tồn tại của bộ máy nhà nước quân
chủ vương quyền mới giành và dựng được bằng xương máu của quân dân
cả nước.
Ở góc độ quân sự, tư tưởng phòng vệ hay phòng ngự tích cực hầu
như quán xuyến toàn bộ thế kỷ X. Với Ngô Quyền, tư tưởng này chỉ mới là
khúc dạo đầu. Tư tưởng này được thể hiện mạnh mẽ hơn, tích cực hơn ở
vương triều Đinh và vương triều Tiền Lê.
Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi năm 968, xưng hoàng đế, đặt quốc hiệu Đại
Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư.
Đọc lịch sử vương triều Đinh, người ta tự hỏi tại sao Đinh Bộ Lĩnh
lại không tiếp tục đóng đô ở Cổ Loa mà lại chuyển về Hoa Lư? Như đã
trình bày ở trên, cũng như Ngô Quyền, ông bỏ qua Đại La đã đành. Còn Cổ
Loa, một tòa thành vững chãi gồm 3 vòng có bề thế, kết hợp giữa sức xây
đắp của con người với nhánh sông làm thành hào sâu giao thông thuận tiện,
lại từng là kinh đô của nước Âu Lạc, là lỵ sở của huyện Phong Khê thì sao?
Tuy sử không ghi chép, ông không nói, nhưng có thể đoán mà không sợ sai