phủ và trấn phủ phó sứ, châu đặt thông phán là thiên phán; huyện đặt lệnh
úy và chủ bạ để cai trị. Lộ coi phủ, phủ coi châu, châu coi huyện.
Mục đích cao nhất của Hồ Quý Ly là cứu vãn chế độ quân chủ tập
quyền đang khủng hoảng vào cuối thời Trần, củng cố triều đình và tăng
cường bộ máy chính quyền các cấp. Định lại các cấp phủ, lộ, châu, huyện,
bãi bỏ chức xã quan (đại tư xã, tiểu tư xã hay đại toát, tiểu toát) do nhà
Trần đặt năm 1242, vẫn giữ chức quản giáp. Nhà Hồ đặc biệt quan tâm việc
lập lại kỷ cương, ban hành nhiều luật lệ, quy chế và dành nhiều công sức
củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội. Năm 1401, nhà Hồ định quan chế
và hình luật nước Đại Ngu. Về nhân sự, nhà Hồ loại bỏ nhiều quý tộc Trần
và những kẻ chống đối, bổ dụng nhiều tướng soái và quan chức mới.
Trong cải cách và xây dựng thiết chế chính trị vương triều, Hồ Quý
Ly và triều Hồ dựa vào học thuyết Nho giáo theo xu hướng thiết thực và kết
hợp với tinh thần dân tộc. Điều đó thể hiện trong việc năm 1392, Hồ Quý
Ly biên soạn sách Minh đạo gồm 14 thiên dâng lên Thượng hoàng Trần
Nghệ Tông, đề cao Khổng Tử nhưng lại nêu "bốn chỗ đáng ngờ trong Luận
ngữ, phê phán Hàn Dũ đời Đường là "đạo nho", chê học phái Tống nho như
Chu Hy, Trình Di, Trình Hạo... "tuy học rộng nhưng tài sơ, không sát sự
việc, chỉ thạo cóp nhặt".
Những cải cách của Hồ Quý Ly biểu hiện trên nhiều lĩnh vực với
những giải pháp kiên quyết, táo bạo. Mục tiêu là nhằm củng cố chế độ quân
chủ tập quyền và giải quyết các mâu thuẫn kinh tế - xã hội đang diễn ra gay
gắt vào thời cuối Trần.
Sang thời Hồ, xã hội nước ta có những bước phát triển nhất định,
nhưng về căn bản cuộc khủng hoảng của kinh tế điền trang thái ấp và chế
độ nông nô, nô tỳ vẫn chưa được giải quyết. Vương triều Hồ vừa xuất hiện
trên vũ đài chính trị, nhưng nội bộ giai cấp phong kiến lủng củng, chính
quyền trung ương còn thiếu một cơ sở xã hội vững chắc và đang gặp nhiều
khó khăn trước những yêu cầu phát triển xã hội, trước những mâu thuẫn
kinh tế, xã hội đang hết sức gay gắt và đòi hỏi phải giải quyết. Hồ Quý Ly