quân mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang chống quân Minh. Lê Lợi tự xưng là
Bình Định vương, truyền hịch kêu gọi nhân dân nổi dậy cứu nước.
Anh hùng, hào kiệt cùng đông đảo người yêu nước ở Thanh Hóa và
khắp bốn phương nghe tin Lê Lợi tổ chức khởi nghĩa, đã lần lượt tìm về
Lam Sơn tụ nghĩa. Trong số đó có Nguyễn Trãi, một trí thức yêu nước, xuất
thân từ gia đình quý tộc ở Đông Đô, một quan lại cũ của triều Hồ. Nguyễn
Trãi đã đem đến cho Lê Lợi Bình Ngô sách, chỉ rõ con đường đưa cuộc
chiến tranh yêu nước đến thắng lợi và ông sớm trở thành lãnh tụ thứ hai của
nghĩa quân. Lúc mới khởi sự, nghĩa quân không quá 2.000 người. Trong
Quân trung từ mệnh tập viết rằng, buổi đầu cơm ăn thì sớm tối không đầy
hai bữa, áo mặc thì đông hè chỉ có một manh, quân lính chỉ độ vài nghìn,
khí giới thì thật là tay không
22
. Nghĩa quân bước vào cuộc chiến đấu tương
quan lực lượng vô cùng chênh lệch, nhưng ai ai cũng một lòng tin tưởng
vào thắng lợi.
Núi rừng Thanh Hóa trở thành căn cứ đầu tiên để nghĩa quân tiến
hành cuộc chiến tranh giải phóng. Trong thời kỳ đầu (1418 - 1423), cuộc
chiến tranh diễn ra chủ yếu dưới hình thức chiến tranh du kích nhằm chống
lại cuộc vây quét của quân Minh. Ỷ vào ưu thế binh lực, quân Minh thường
huy động những lực lượng lớn để bao vây, càn quét hòng tiêu diệt cuộc
khởi nghĩa. Nghĩa quân dựa vào địa thế núi rừng hiểm yếu và quen thuộc,
tiến hành tập kích, phục kích quân thù, bẻ gẫy nhiều đợt tiến công vây quét
của giặc.
Thời kỳ đầu, nghĩa quân gặp muôn vàn khó khăn: "Khi Linh - sơn
lương cạn mấy tuần;/Lúc Khôi - huyện, quân không một lữ"
23
; có những lúc
nghĩa quân bị tổn thất nặng nề, chỉ còn hơn 100 người. Nhưng với nghị lực
phi thường, lại được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, nên nghĩa quân đã vượt
qua bao khó khăn, khôi phục và phát triển được phong trào.
Càng chiến đấu, nghĩa quân càng thêm dày dạn, trưởng thành. Với
tư tưởng chủ động tiến công, bằng những hoạt động du kích (tập kích, phục
kích), nghĩa quân đã đánh bại các cuộc hành quân của địch và gây cho