2. Tư tưởng quân sự trong khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng
a) Tư tưởng xây dựng lực lượng nghĩa quân Lam Sơn
Nghĩa quân Lam Sơn, theo quan niệm của Lê Lợi và Nguyễn Trãi,
đó là "đội quân nhân nghĩa", mục đích chiến đấu là "dấy nhân nghĩa cốt để
an dân", "đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp cốt để an dân". Quan điểm
đúng đắn của Lê Lợi và Nguyễn Trãi là dựa vào dân để xây dựng lực lượng
nghĩa quân: "Dựng gậy làm cờ, tập hợp bốn phương manh lệ". Do vậy, đa
số nghĩa quân là những người "manh lệ", tức những người nông dân, nông
nô, nô tỳ bị bóc lột nhiều nhất trong xã hội. Họ từ bốn phương tụ họp dưới
cờ nghĩa của Lê Lợi và chính họ là chủ lực quân của cuộc khởi nghĩa.
Nhờ quan điểm đúng đắn của Lê Lợi và Nguyễn Trãi: "Binh là cốt
để bảo vệ dân, chứ không làm hại cho dân", nên cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
đã thu hút được đông đảo các trai tráng khắp các làng xã.
Theo sách Lam Sơn thực lực, nghĩa quân buổi đầu khởi nghĩa mới
chỉ có 35 quan võ, một số quan văn, 200 quân thiết đột, 200 nghĩa sĩ, 200
dũng sĩ, 14 con voi và một số người tham gia chủ yếu là người Thanh Hóa,
tất cả có độ 2.000 người. So với lực lượng quân Minh bấy giờ thì nghĩa
quân còn rất nhỏ bé. Thậm chí, có những lúc nghĩa quân bị quân Minh đàn
áp, dồn ép lên rừng núi Chí Linh, lực lượng bị tổn thất nặng nề và buộc
phải thực hiện kế sách hoãn binh; hòa hoãn với quân Minh.
Chủ trương hòa hoãn với địch của Lê Lợi và Nguyễn Trãi cũng với
mục đích là có thời gian để xây dựng, củng cố nghĩa quân. Có thời gian hòa
hoãn, có căn cứ địa an toàn, có đường lối phát động quần chúng tham gia
khởi nghĩa. lực lượng nghĩa quân mới có điều kiện phát triển. Với lực
lượng được tăng cường, nghĩa quân tiến hành khẩn trương việc tổ chức
biên chế quân ngũ, chuẩn bị lương thực, khí giới và tích cực rèn luyện