tướng sĩ, quân lính. Khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã có uy tín rộng lớn, đã
quy tụ được nhiều cuộc khởi nghĩa khác, Lê Lợi và Nguyễn Trãi nhận thấy
rằng nghĩa quân cũng đã tới giai đoạn cần được tổ chức thành quân đội dân
tộc, một đội quân giải phóng hùng mạnh có khả năng đánh thắng giặc
Minh. Đó là bước phát triển tất yếu của tất cả các lực lượng vũ trang khởi
nghĩa muốn hoàn thành sự nghiệp đánh giặc, cứu nước của mình. Để tăng
cường lực lượng, trong thời gian hòa hoãn với địch, các lãnh tụ nghĩa quân
lập tức củng cố đội ngũ nghĩa quân, chăm lo nuôi dưỡng và tích cực chuẩn
bị lương thực, khí giới. Đồng thời Lê Lợi chủ trương tiến hành tổ chức
quyên tiền, mộ thêm quân, tiếp đón và khoản đãi nhân dân các nơi ủng hộ
gia nhập nghĩa quân. Cảnh tượng Chí Linh - Lam Sơn trở nên tấp nập, khẩn
trương như Nguyễn Trãi đã mô tả trong Phú núi Chí Linh: "thu nhặt tàn
quân", "rèn chiến cụ”, “mỏ vàng mộ lính, giết voi khao quân!"
26
.
Nhưng tăng cường xây dựng lực lượng để trở thành một quân đội
giải phóng hùng mạnh, không phải chỉ cần số lượng mà còn phải có chất
lượng tốt, quân đội đông chưa đủ mà điều cần thiết phải có kỹ thuật đánh
giỏi và có tinh thần chiến đấu cao. Nghĩa quân qua một thời kỳ dài chiến
đấu, tuy đã dạn dày trận mạc, tinh thần chiến đấu đã được thử thách nhiều
và đã có nhiều người đánh giặc giỏi, nhưng đại bộ phận là tân binh, mới
tuyển mộ, cần được huấn luyện kỹ thuật, giáo dục tinh thần và mục đích
chiến đấu, hy sinh vì đại nghĩa.
Lực lượng nghĩa quân theo yêu cầu của Lê Lợi không đơn thuần là
những người đủ sức cầm vũ khí để đánh giặc mà phải là những binh sĩ có
tinh thần chiến đấu cao, có kỹ năng chiến đấu giỏi, biết sử dụng vũ khí tinh
thông và biết cả lao động sản xuất tự túc. Lực lượng nghĩa quân Lam Sơn,
như Nguyễn Trãi nói trong Quân trung từ mệnh tập: phải trên dưới cùng
lòng, anh hùng hết sức, quân sỹ càng luyện, khí giới càng tinh, vừa cày
ruộng vừa đánh giặc. Đó là quan điểm rất tiến bộ. Quan điểm đó đòi hỏi
người chiến sĩ nghĩa quân phải có chất lượng nhiều mặt; có phẩm chất
chính trị cao, có kỹ thuật chiến đấu giỏi, biết lao động sản xuất thành thạo.
Từ quan điểm đó, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã đề ra phương châm xây dựng