hào kiệt bốn phương, phương thức khởi nghĩa là kháng chiến toàn dân, cả
nước cùng đánh giặc.
Tư tưởng, đường lối cứu nước của Lê Lợi và Nguyễn Trãi phù hợp
với lòng dân, với nguyện vọng giải phóng đất nước thiết tha của toàn dân.
Và vì vậy, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã kết tinh được sức mạnh tinh thần
và vật chất của nhân dân.
Điểm giống nhau căn bản của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và những
cuộc khởi nghĩa chống Minh khác là ở tính chất yêu nước và chính nghĩa,
tính chất giải phóng dân tộc. Điểm khác nhau căn bản là ở chỗ Bộ tham
mưu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã biết dựa vào dân, biết phát huy sức
mạnh to lớn về tinh thần và vật chất của nhân dân để tiến hành cuộc chiến
tranh nhân dân lâu dài và tất thắng.
Nghĩa quân Lam Sơn là những người xuất thân từ nhiều thành phần
giai cấp và dân tộc khác nhau, nhưng tất cả đều thống nhất ở một mục đích
cao cả là cứu dân, cứu nước, là bảo vệ độc lập của Tổ quốc, đồng thời cũng
là bảo vệ quê hương, gia đình của bản thân mỗi người. Lê Lợi chủ trương
dựa vào dân để xây dựng lực lượng nghĩa quân, dựa vào những người nông
dân nghèo khổ, những người nông nô, nô tì bị áp bức để đánh giặc: "Dựng
gậy làm cờ, tụ tập khắp bốn phương manh lệ". "Manh lệ" là những người
dân cày ruộng, những người tôi tớ. Họ từ bốn phương tụ họp lại dưới lá cờ
cứu nước của Lê Lợi và chính họ là chủ lực quân Lam Sơn. Trong hàng
ngũ nghĩa quân còn có nhiều người thuộc các dân tộc thiểu số anh em mà
trong các tài liệu lịch sử thời phong kiến thường gọi là "man binh", là
"quân áo đỏ", "quân thượng du"...
Trong Bộ tham mưu và trong hàng ngũ tướng lĩnh của nghĩa quân
cũng có mặt các đại biểu nhiều tầng lớp khác nhau. Có người xuất thân từ
tầng lớp địa chủ như Lê Lợi, có người là sĩ phu yêu nước như Nguyễn Trãi,
Phạm Văn Xảo; có người thuộc tầng lớp thương nhân như Nguyễn Xí; có
người vốn xuất thân từ tầng lớp dân nghèo như Nguyễn Chích, Nguyễn
Khuyển; hoặc cũng có mặt những nhà quý tộc yêu nước như Trần Nguyên