thành cuộc chiến tranh mang đậm tính nhân dân. Ngọn cờ Lam Sơn là ngọn
cờ đoàn kết đấu tranh của toàn dân ta đầu thế kỷ XV.
Tư tưởng dựa vào dân, phát động cuộc khởi nghĩa nhân dân, chiến
tranh toàn dân là nguồn gốc thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Tất
nhiên trong thời đại phong kiến và dưới sự lãnh đạo của giai cấp phong
kiến, tư tưởng chiến tranh nhân dân, toàn dân trong cuộc khởi nghĩa Lam
Sơn không thể tránh khỏi những mặt hạn chế tất yếu của thời đại và giai
cấp, không thể đạt đến mức độ triệt để của những cuộc chiến tranh nhân
dân hiện đại do giai cấp vô sản lãnh đạo. Nhưng nét riêng trong thời đại
phong kiến thì khởi nghĩa Lam Sơn có tính nhân dân sâu rộng nhất. Đó là
kết quả của tư tưởng khởi nghĩa toàn dân trong khởi nghĩa và chiến tranh
chống quân Minh xâm lược.
c) Tư tưởng chỉ đạo chiến lược, chiến thuật "lấy ít địch nhiều, lấy
yếu chống mạnh (dĩ quả địch chúng, dĩ nhược chế cường)
- Tư tưởng chiến lược:
Nguyễn Trãi nói "Tri bỉ tri kỷ, năng nhược năng cường" (biết địch
biết ta, hay yếu hay mạnh). Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình địch, ta
một cách chính xác, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Bộ tham mưu nghĩa quân Lam
Sơn xác định một đường lối quân sự đúng đắn, một quyết tâm đánh giặc
cao và một niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng. Sự sáng suốt của Bộ
tham mưu, vai trò tích cực của lãnh đạo được biểu hiện rõ ràng và tập trung
trong chỉ đạo chiến lược và chiến thuật của cuộc chiến tranh.
Đánh lâu dài (trì cửu chiến) là tư tưởng chỉ đạo chiến lược xuyên
suốt trong quá trình khởi nghĩa và chiến tranh dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi
và Nguyễn Trãi. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kéo dài mười năm trời ròng rã.
Đánh lâu dài là một đặc điểm quan trọng và cũng là đường lối chiến lược
của nghĩa quân Lam Sơn. Tư tưởng chiến lược đó phù hợp với quy luật
phát triển khách quan của cuộc chiến tranh giải phóng của một nước nhỏ
chống lại sự xâm lược và thống trị của một nước lớn.