Vua Lý Thánh Tông đem Công chúa Ngọc Kiều gả cho Châu mục châu
Chân Đăng họ Lê. Lý Nhân Tông gả Công chúa Khâm Thánh cho Châu
mục châu Vị Long là Hà Di Khánh. Lý Anh Tông gả Công chúa Thiều
Dung cho thủ lĩnh phủ Phú Lương (Thái Nguyên) là Dương Tự Minh.
Chính sách hôn nhân chính trị này đã góp phần quan trọng vào việc thu
phục các thổ tù, châu mục quy phục triều đình. Thông qua các thủ lĩnh dân
tộc thiểu số này, nhà Lý đã quản lý được các vùng xa xôi biên viễn, tăng
cường quyền lực của nhà nước quân chủ trung ương tập quyền.
Về đối ngoại, nhà Lý tiếp tục quan hệ với Chiêm Thành, Trung Hoa
- trao đổi sứ giả, buôn bán với Trung Hoa - đã có từ các vương triều trước.
Ngoài ra còn đặc biệt mở rộng quan hệ buôn bán với các nước vùng Đông
Nam Á như Xiêm La, các nước vùng đảo Inđônêxia như Java, Mã Lai,
Sirivijaya ở đảo Sumatra. Nhà Lý đã mở rộng quyền quản lý về phía Nam,
đẩy biên giới về phía Nam đến Quảng Trị ngày nay.
Từ một cái nhìn khái quát về mặt chính trị từ thế kỷ X đến đầu thế
kỷ XIII, từ vương triều Ngô đến vương triều Lý, đã hiện ra một bước phát
triển vượt bậc. Từ vương quyền đến đế quyền, từ chưa có quốc hiệu đến
quốc hiệu Đại Cồ Việt (Ngô, Đinh, Tiền Lê), Đại Việt (Lý), từ Kinh đô Cổ
Loa (Ngô) đến Hoa Lư (Đinh, Tiền Lê), Thăng Long (thời Lý), từ một bộ
máy nhà nước thô phác, dân dã thời Ngô, Đinh đến nhà nước hoàn thiện,
cai trị bằng luật pháp thành văn của vương triều Lý, đã ghi nhận những
bước trưởng thành của một đất nước với nền quân chủ trung ương tập
quyền. Trên hành trình lịch sử hơn ba thế kỷ đó cũng có những bước thăng
trầm, nhưng nhìn chung là phát triển mạnh mẽ theo hướng xây dựng một
quốc gia quân chủ vững mạnh.
b) Về kinh tế
Nền kinh tế nông nghiệp của nước ta đã xuất hiện từ rất sớm cùng
với sự ra đời của Nhà nước Văn Lang. Cho đến thế kỷ III Tr.CN, Nhà nước
Âu Lạc từ đỉnh tam giác Việt Trì - Phong Châu đã dời đô về Cổ Loa, trung
tâm châu thổ sông Hồng. Từ đây, một vùng đất rộng lớn, màu mỡ được mở
mang, khai phá. Tuy nhiên, do dân số còn ít, công cụ sản xuất còn thô sơ