Ở trên, chúng ta đã điểm lại những sự kiện, hiện tượng lịch sử phản
ánh quá trình vận động, phát triển xã hội - cơ sở hình thành, xây dựng tổ
chức vũ trang, hoạt động quân sự của quốc gia Đại Cồ Việt - Đại Việt. Đó
cũng chính là cơ sở cho sự hình thành tư tưởng quân sự thời kỳ này.
Như đã trình bày, lịch sự từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XIII được nhìn
nhận làm hai chặng rõ rệt: thế kỷ X gồm các vương triều Ngô, Đinh, Tiền
Lê và thế kỷ XI - đầu thế kỷ XIII vương triều Lý; tương ứng với tên gọi đất
nước: Đại Cồ Việt và Đại Việt. Đó là cái nhìn trên đại thể. Thật chính xác:
vương triều Ngô xuất hiện vào năm 938 sau chiến thắng giặc Nam Hán trên
sông Bạch Đằng, nhà Đinh trị vì đất nước từ năm 968 đến năm 979, vương
triều Tiền Lê kết thúc vào năm 1009, vương triều Lý tồn tại vào các năm
1010-1225.
Thời Ngô, Đinh, Tiền Lê - đầu thế kỷ X đến đầu thế kỷ XI được
quan niệm như một thế kỷ bản lề, chuyển tiếp, gạch nối giữa hai thời: thời
Bắc thuộc và thời Đại Việt mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài
của đất nước, kỷ nguyên văn hóa văn minh Thăng Long rực rỡ. Và tên
nước Đại Cồ Việt cũng chỉ xuất hiện vào năm 968 với vương triều Đinh,
Đại Việt xuất hiện vào năm 1054 - năm đầu của triều Lý Thánh Tông. Tuy
khác nhau về thời gian, về vương triều cầm quyền, nhưng mọi hoạt động
trên các lĩnh vực ở thời này, cũng như trong lịch sử nói chung đều nhằm
một mục đích duy nhất là giữ nước và dựng nước. Tuy nhiên, trong bối
cảnh lịch sử khác nhau, mỗi thời có những nét đặc thù riêng, với những
bước thăng trầm trên một hướng đi chung: vận động phát triển của lịch sử.
Thế kỷ X có những bước đi dồn dập phản ánh sự khẩn trương thanh
toán mọi tàn tích của quá khứ hơn một nghìn năm Bắc thuộc để nhanh
chóng phục hưng đất nước, tạo thế để đất nước phát triển vững mạnh vào
thời Lý - thế kỷ XI - đầu thế kỷ XIII. Trong quá trình này, những nhà quân
sự nổi tiếng như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn và một số tướng lĩnh
trong triều đình Ngô, Đinh, Lê đã thể hiện quan điểm, tư tưởng quân sự của