kể từ khi Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận lên ngôi; hoặc đến năm 979, khi
tiểu quốc cát cứ cuối cùng bị tiêu diệt là Bắc Hán. Mặc dù vậy bài học của
họ Khúc, cụ thể là Khúc Thừa Mỹ, trong quan hệ với nhà Hậu Lương lúc
này đang cầm quyền ở Trung Hoa đã làm cho nhà Nam Hán bất bình dẫn
đến đại họa khiến cơ nghiệp bị đổ vỡ, buộc Ngô Quyền phải thận trọng dè
dặt. Ông không xưng hoàng đế, cũng như chưa đặt quốc hiệu. Có lẽ trong
nhận thức của Ngô Quyền thấy thời thế chưa cho phép. Thế và lực của đất
nước vừa mới giành được độc lập, tự chủ chưa đủ mạnh, còn nhiều việc
phải làm. Trước mắt là việc định đô và xây dựng một bộ máy quản lý đất
nước.
Định đô là việc trọng đại, không chỉ liên quan đến sự tồn vong của
một vương triều mà còn liên quan đến vận mệnh của đất nước. Trước Ngô
Quyền, họ Khúc, họ Dương sau khi giành được quyền tự chủ đã lấy lỵ sở
Đại La làm nơi đóng giữ của mình. Ngô Quyền từ chối Đại La, ông chọn
Cổ Loa. Phải nói rằng, vào lúc này Đại La, thủ phủ của Giao Châu là một
tụ điểm dân cư lớn, có lịch sử gắn liền với nền đô hộ của nhà Đường. Cho
đến năm 866, theo ghi chép của sử, viên Tiết độ sứ Cao Biền đã cho xây
đắp lại Đại La với quy mô như sau: "Đắp La Thành vòng quanh 1.982
trượng lẻ 5 thước, thân thành cao 2 trượng 6 thước, chân thành rộng 2
trượng 5 thước, bốn mặt thành đắp các nữ tường nhỏ trên bốn mặt thành
cao 5 thước 5 tấc, lầu nhìn giặc 55 sở, cửa ống 6 sở, cừ nước 3 sở, đường
bộ 34 sở. Lại đắp con đê vòng quanh dài 2.125 trượng 8 thước; cao 1
trượng 5 thước; chân rộng 2 trượng, cùng làm nhà cửa hơn 40 vạn gian"
28
.
Qua ghi chép của sử sách, ta có thể hình dung Đại La không chỉ là
nơi tụ tập dân cư đông đúc, trù phú mà còn là căn cứ, là địa bàn trọng yếu
gắn bó nhiều đời với kẻ thù đô hộ. Nay chính quyền ngoại bang đã quét
sạch, nhưng cơ sở bao gồm con người và căn cứ chưa phải đã được loại trừ.
Điều đó sẽ là mối hiểm nguy phát ra từ bên trong một khi chúng có hành
động đánh phá. Đã vậy Đại La là nơi trống trải. Lực của đoàn "quân mới
họp" đã đánh tan được giặc Nam Hán, chiếm lại Đại La từ tay Kiều Công
Tiễn, nhưng chưa đủ mạnh để giữ được Đại La khi kẻ thù phương Bắc tấn