Quân túc vệ: là lực lượng thường trực đóng ở Kinh thành Thăng Long để bảo vệ triều
đình và phủ chúa. Thành phần của quân túc vệ chủ yếu là ưu binh - quân tam phủ, lấy từ ba
phủ Thiệu Thiên, Hà Trung và Tĩnh Gia (Thanh Hoá) và 12 huyện thuộc Nghệ An. Vì được
triều đình ưu ái, lại cậy thế đồng hương với vua Lê - chúa Trịnh, nên ưu binh thường hay
khinh nhờn, ngạo mạn, gây nhiều cuộc náo loạn -"loạn kiêu binh" trong cung thành. Phan Huy
Chú nhận xét: "Ưu binh từ khoảng giữa đời Lê về sau, được an nhàn lâu ngày, sinh ra kiêu
hỗn... Có việc chinh chiến thì hốt hoảng sợ hãi, mà khi vô sự thì cậy thế lăng loàn, không
ngăn cản nổi”
64
.
Quân Phủ vệ: còn gọi là nhất binh, tuyển chọn từ các địa phương, chủ yếu từ bốn nội
trấn, là lực lượng trực tiếp xông pha trận mạc. Mỗi phủ đặt một vệ do hai quan Tuần phủ (văn)
và Trấn thủ (võ) quản lĩnh. Quân bộ được chia đặt thành các đơn vị là dinh, cơ, đội. Quân
thủy được phiên chế thành các thuyền. Theo binh chế thời Lê - Trịnh, một dinh tương đương
800 người, một cơ tương đương 300-500 người, một đội tương đương 200-300 người, một
thuyền quân tương đương 31-86 người. Mỗi khi tình hình trong nước tạm yên ổn (ví dụ như
năm Quý Dậu - 1753), triều đình cho binh sĩ thay phiên nhau về quê làm ruộng, "đợi khi có
việc chiếu sổ sẽ gọi ra để dùng, xong việc lại cho về làm ruộng theo kiểu chính sách "Ngụ
binh ư nông" dưới thời Lý - Trần và Lê Sơ
65
.
Ngoài ra, để duy trì và phát triển lực lượng địa phương và lực lượng dự bị, chính
quyền Lê - Trịnh còn tổ chức các loại dân binh, hương binh ở các làng xã, đặt "một khán thủ
cho chỉ huy bọn đinh tráng, hễ có việc phát xuất thì cho điều đi chặn bắt”
66
. Đây chính là lực
lượng quân sự địa phương bảo vệ xóm làng, đồng thời làm quân dự bị sẵn sàng cho triều đình
điều động khi tình hình có biến.
Bộ binh Đàng Ngoài được trang bị những vũ khí truyền thống - vũ khí “lạnh" như:
gươm, đao, giáo, mác, cung nỏ... kết hợp với những vũ khí "nóng" tương đối tối tân thời bấy
giờ, như: các loại súng lớn và súng trường nòng dài... do các quân xưởng trong nước chế tạo,
hoặc mua của phương Tây (Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh). Binh lính Đàng Ngoài giữ gìn súng
rất cẩn thận, nhiều người mang theo những ống tre đựng súng để khỏi bị ướt khi trời mưa;
thuốc súng đạn dược được cất trong những bao da đeo trên người.
Để đáp ứng nhu cầu thuốc súng phục vụ chiến tranh, chính quyền Lê - Trịnh đã nhiều
lần dùng hàng hoá (chủ yếu là tơ lụa) đổi bán cho công ty Đông Ân (Hà Lan) lấy diêm tiêu và
lưu huỳnh; đồng thời, khuyến khích các thương nhân ở Kẻ Chợ (Thăng Long) và Phố Hiến
(Hưng Yên) nộp chì, diêm tiêu, lưu huỳnh để được miễn thuế hoặc ban thưởng chức tước,
phẩm hàm
67
.
Bên cạnh đó, chính quyền Đàng Ngoài còn tập trung nuôi một số lớn ngựa chiến và
voi chiến. Theo S.Baron, chúa Trịnh có 8.000-10.000 con ngựa và 300-400 con voi. Riêng ở
Thăng Long có tới 200 con voi được nuôi trong những chuồng dài đặt bên bờ sông Nhị và có
người chăm sóc.