Tựu trung lại, trải qua hơn 200 năm (1527-1771) với hai cuộc chiến tranh lớn, kéo dài
nhiều năm là nội chiến Nam - Bắc triều và Trịnh -Nguyễn phân tranh, cùng với hàng loạt các
cuộc khởi nghĩa nông dân diễn ra ở cả hai miền Nam - Bắc, vấn đề quân sự đã trở nên một
vấn đề nổi trội, được các chính quyền thống trị đặc biệt coi trọng. Nhìn một cách tổng thể, để
duy trì quyền lực thống trị và tranh giành, mở rộng phạm vi lãnh địa, các chính quyền phong
kiến, dù là Bắc triều của nhà Mạc ở Đông Đô hay Nam triều của nhà Lê ở Thanh Hoá, dù là
Đàng Trong của các chúa Nguyễn hay Đàng Ngoài của vua Lê - chúa Trịnh đều ra sức xây
dựng quân đội. Trong tư tưởng quân sự, các tập đoàn thống trị này đều đồng nhất quan điểm
xây dựng một quân đội hùng mạnh làm công cụ bạo lực trực tiếp cho việc thực hiện các ý đồ
chiến lược đặt ra. Do vậy, để thu hút nhân lực cho việc xây dựng quân đội - tạo ưu thế quân
sự, các tập đoàn phong kiến thời kỳ này đều ban hành nhiều chế độ, chính sách ưu đãi để lấy
lòng quân, tiêu biểu trong đó là chế độ ban cấp ruộng đất, ngay trong khi thực hiện chế độ
quân điền. Trong quan hệ quyền lực, quan võ luôn có ưu thế hơn quan văn và quyền lực phần
nhiều nằm trong tay các võ tướng.
Dù vậy, trong xây dựng quân đội của các triều đại này, với việc tổ chức khảo thi và
phong học vị "Tạo sĩ” cho quan võ, cho phép binh sĩ được tham gia các kỳ thi do triều đình
mở… là một quan điểm thuộc về tư tưởng quân sự rất mới, tiến bộ của triều đình Lê - Trịnh
đóng góp cho lịch sử.
Trong xây dựng quân đội, các thế lực cầm quyền thời kỳ này đều tập trung tổ chức
một quân đội có đủ các thành phần lực lượng (binh chủng): Bộ binh, Thủy binh, Tượng binh.
Trong đó, riêng quân đội của chúa Nguyễn có ưu thế hơn về Thủy binh và Tượng binh. Số
lượng bộ binh trong nhiều thời điểm là vô cùng lớn so với tỷ lệ dân số đương thời cũng như
truyền thống quân sự của nước ta.
Về trang bị vũ khí: thời kỳ này nhiều thương nhân phương Tây thường xuyên tới Đại
Việt buôn bán; qua đó, các tập đoàn phong kiến Đại Việt có nhiều cơ hội dung nạp vũ khí,
trang bị kỹ thuật quân sự phương Tây (vũ khí nóng) để trang bị cho quân đội của mình, hòng
tạo nên những bước đột phá về uy lực cho tác chiến trên chiến trường. Đây cũng chính là một
trong những quan điểm mới trong tư tưởng quân sự của các tập đoàn phong kiến Đại Việt thời
kỳ này.
Với tư tưởng xây dựng một quân đội mạnh làm công cụ cho việc thực hiện các ý đồ
chính trị, bằng các chính sách và biện pháp khác nhau, các tập đoàn phong kiến cầm quyền
thời kỳ này đã tạo dựng được một công cụ bạo lực tương đối mạnh, đáp ứng cơ bản được
nhiệm vụ và mục đích đặt ra trong những thời gian nhất định. Dù vậy, do tính chất chiến
tranh, mục đích quân sự..., quân đội của các tập đoàn phong kiến này đã bộc lộ khá nhiều hạn
chế, phát triển mất cân đối về chính trị và quân sự; chính trị trong quân sự... làm nảy sinh
nhiều mâu thuẫn trong việc xây dựng và quản lý quân đội. Ví dụ như, sự mất lòng tin vào
chính quyền đã khiến cho hàng loạt tướng lĩnh Bắc triều đã bỏ nhà Mạc về với vua Lê trong