nửa cuối cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều. Trong nhiều năm triển khai những cải cách của
Trịnh Cương, số lượng quân, nguồn nhân lực đảm bảo cho xây dựng quân đội Đàng Ngoài
vẫn loanh quanh ở điểm xuất phát. Sự phát triển lệch lạc về tư tưởng chính trị trong quân đội
đã gây nên loạn “kiêu binh" làm lao đao chính quyền chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Hơn nữa,
cũng do tư tưởng chiến lược bao trùm là xây dựng một quân đội mạnh để bảo vệ lãnh địa cát
cứ, chống lại các thế lực đối lập, nên cả triều Mạc, Lê - Trịnh và Nguyễn đều chỉ biết khai
thác đến cùng kiệt nhân tài, vật lực của đất nước, của nhân dân, mà không chú ý “chăm lo sức
dân” nên không những không được nhân dân đồng tình ủng hộ, thậm chí đã dần dần nổi lên
chống lại triều đình. Đây thực sự là những bài học quan trọng về định hướng tư tưởng chiến
lược trong xây dựng quân đội được rút ra từ thời kỳ lịch sử đầy biến động, phức tạp này và nó
vẫn còn giá trị đối với các triều đại tiếp sau đó, thậm chí là cả đối với hiện nay.
2. Xây dựng và sử dụng thành lũy trong chiến đấu (phòng thủ) bảo vệ vùng lãnh thổ cát cứ
Trong suốt hơn 200 năm (1527-1771), trong khi nội bộ đất nước bất ổn kéo dài thì
những nguy cơ đe dọa từ bên ngoài dường như là ít cấp bách hơn so với các thời kỳ trước đó
(ngoại trừ cuộc tiến quân đe dọa của nhà Minh sau khi Mạc Đăng Dung phế truất vua Lê, lập
ra triều Mạc).
Trọng tâm của các hoạt động quân sự, từ chuẩn bị nhân tài, vật lực, thế trận quốc
phòng bảo vệ Tổ quốc và tiến hành kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng đất nước trong
suốt nhiều thế kỷ trước đó, đến thế kỷ XVI-XVIII được chuyển thành quá trình xây dựng và
phát triển quân đội của các tập đoàn phong kiến dòng họ. Và, các hoạt động quân sự lúc này
chủ yếu để phục vụ cho mục đích bảo vệ và mở rộng quyền lợi của các dòng họ cầm quyền;
trong đó nổi cộm hơn cả là các cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến
dòng họ. Đất nước bị chia cắt triền miên.
Mỗi thế lực phong kiến, dù là các quan tướng phò tá cho cuộc trung hưng nhà Lê, với
những bước khởi đầu khá gian nan ở Thanh Hóa, hoặc thế lực của dòng họ Mạc sau khi thất
thủ ở Đông Kinh (Hà Nội) và Dương Kinh (Hải Dương) buộc phải rút lên Cao Bằng mong
dựa vào sự hiểm yếu của vùng đất này và sự bảo trợ của nhà Minh mà tồn tại, hay con cháu
Nguyễn Kim - Nguyễn Hoàng muốn tìm một vùng đất riêng cho mình sau khi quyền lực Nam
triều đã bị người anh rể là Trịnh Kiểm thâu tóm, đều có chung một mưu đồ là phải tìm một
vùng đất "dụng võ" để "hùng cứ một phương”. Không chỉ có vậy, các thế lực này đều mong
trở thành một thế lực hùng mạnh để bảo vệ lãnh thổ cát cứ của mình và thậm chí sẽ tiến hành
thôn tính các thế lực khác để độc quyền thống trị đất nước.