LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VIỆT NAM - TẬP 2 - Trang 12

nơi và rất ít người được tham dự triều chính, không được lập điền trang, thái ấp và tổ chức lực
lượng vũ trang riêng như ở thời Lý - Trần. Nhà Lê còn quy định nhiều điều luật nghiêm ngặt
và hình thức nghi lễ nhằm bảo đảm sự trung thành của tầng lớp quý tộc quan liêu đối với triều
đình trung ương.

Sự phát triển ngày càng cao của chế độ phong kiến trung ương tập quyền đặt ra yêu

cầu phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh nhằm bảo vệ quyền lợi cho giai cấp thống trị
và ổn định trật tự xã hội. Dưới thời Lê Lợi, việc đặt luật pháp đã được tiến hành. Ông lệnh cho
các quan Tư Không, Tư Đồ, Tư Mã, Thiếu Uý, Hành Khiển bàn định pháp lệnh cai trị quân
dân vì theo ông: "Từ xưa tới nay, trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn.
Cho nên học tập đời xưa đặt ra pháp luật là để dạy các tướng hiệu quan lại, dưới đến dân
chúng trăm họ biết thế nào là thiện, là ác, điều thiện thì làm, điều chẳng lành thì tránh. Chớ để
đến nỗi phạm pháp"

5

. Lê Thái Tổ cũng định ra một số luật lệ về kiện tụng và phân chia ruộng

đất công của các thôn xã. Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông ban hành thêm một số điều luật về
xét xử kiện tụng, sở hữu tài sản. Đến Lê Thánh Tông lại ban bố nhiều điều lệ về kế thừa
hương hoả; về bảo vệ tôn ty trật tự và đạo đức phong kiến; việc trấn áp các hành vi chống đối
hay làm nguy hại đến quyền thống trị của giai cấp phong kiến. Năm Quý Mão (1483), Lê
Thánh Tông sai các đình thần sưu tập tất cả các điều luật, các pháp lệnh đã ban bố và thi hành
từ các triều vua trước rồi bổ sung biên soạn thành một bộ pháp điển hoàn chỉnh với tên thường
gọi là Luật Hồng Đức. Bộ luật Hồng Đức trở thành pháp luật của triều Lê, gồm có 721 điều,
chia làm 6 quyển, 16 chương với nội dung cơ bản là bảo vệ lợi ích và đặc quyền của giai cấp
thống trị, củng cố chế độ quân chủ chuyên chế. Bộ luật cũng phản ánh và tôn trọng một số
phong tục tập quán của nhân dân, đề cao ý thức bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia,
bênh vực quyền lợi của người phụ nữ. Luật Hồng Đức là bộ luật hoàn chỉnh đầu tiên của nhà
nước phong kiến Việt Nam, cũng là bộ luật xưa nhất mà hiện nay chúng ta còn biết được nội
dung tương đối đầy đủ. Về cơ bản, Bộ luật Hồng Đức là bộ luật hình, nhưng về thực chất, đây
là bộ luật tổng hợp bao gồm cả luật hình, luật hành chính, luật dân sự, luật tố tụng, luật hôn
nhân và gia đình. Luật Hồng Đức đã phản ánh được một cách tương đối toàn diện các mặt đời
sống và tập quán của nhân dân ta ở thế kỷ XV. Bộ luật Hồng Đức được các đời vua kế tiếp bổ
sung, sửa đổi và sử dụng trong suốt hơn ba thế kỷ trị vì của nhà Lê với tên gọi "Lê triều hình
luật".

Tình hình xã hội:

Trong xã hội thời Lê Sơ có hai giai cấp cơ bản là địa chủ phong kiến và nông dân, bên

cạnh đó còn có các tầng lớp thương nhân, thợ thủ công và nô tỳ.

Địa chủ là giai cấp thống trị, giai cấp nắm chính quyền, bao gồm địa chủ thường, địa

chủ quan liêu và một số quý tộc nhà Lê. Đó là những người có ruộng đất tư hữu, lấy quyền sở
hữu tư nhân làm cơ sở tồn tại và tiến hành bóc lột tô đối với nông dân. Ngoài ruộng đất tư
hữu, tầng lớp địa chủ quan liêu còn được nhà nước ban cấp cho nhiều ruộng đất theo chế độ

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.