phong kiến cát cứ không còn, mâu thuẫn trong nội bộ vương triều đã được hóa giải, nền độc
lập được bảo toàn, vương triều Nguyễn từ năm Nhâm Tuất (1802), bước vào củng cố nền độc
lập thống nhất, sau mấy trăm năm phân quyền cát cứ và chiến tranh loạn ly. "Trên lãnh thổ
thống nhất đó, triều Nguyễn xây dựng một cơ chế quân chủ, tập quyền mạnh mẽ với một bộ
máy hành chính và một thiết chế vận hành quy củ, chặt chẽ”
5
.
Trong giai đoạn đầu triều Nguyễn, bộ máy hành chính các cấp còn nặng về tính chất
quân sự, đứng đầu thường là các võ tướng có công đối với họ Nguyễn. Lãnh thổ đất nước trải
dài, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, được chia thành ba khu vực. Từ Thanh Hóa trở vào đến
Bình Thuận, với trung tâm là Phú Xuân, do triều đình trực tiếp quản lý. Từ Sơn Nam trở ra
Bắc, gồm 11 trấn gọi là Bắc thành. Từ Trấn Biên trở vào Nam, gồm 5 dinh gọi là Gia Định
thành
6
.
Đứng đầu Bắc thành và Gia Định thành là một võ quan đại thần, được toàn quyền xử
lý mọi công việc và thường xuyên phải báo cáo tình hình về triều đình. Sau gần 30 năm tồn tại
(1802-1831), các chức tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành, bị xem là cản trở đến quyền
lực điều hành của chính quyền trung ương. Đáng lưu ý là thời gian Nguyễn Văn Thành làm
Tổng trấn Bắc thành và Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định thành, triều đình Trung ương
hầu như không kiểm soát nổi hai vùng này, bởi công lao và uy tín của hai Tổng trấn này có
công khai quốc triều Nguyễn quá lớn. Vì thế, trong 2 năm Tân Mão - Nhâm Thìn (1831-
1832), thực hiện việc cải cách hành chính trong cả nước, vua Minh Mạng đã ra lệnh bãi bỏ hai
đơn vị hành chính Bắc thành và Gia Định thành; đồng thời xóa bỏ hai chức tổng trấn, cùng
các chức trấn thủ, hiệp trấn và tham hiệp đứng đầu các trấn, nhằm tăng quyền lực vào chính
quyền trung ương. Lúc này, cả nước chia thành 30 tỉnh (10 tỉnh lớn, 10 tỉnh vừa và 10 tỉnh
nhỏ) và phủ Thừa Thiên trực thuộc trung ương. Hệ thống chính quyền trong cả nước gồm bốn
cấp: triều đình trung ương; tỉnh; phủ, huyện, châu và tổng, xã được duy trì hết thời Nguyễn.
Bộ máy chính quyền trung ương được tổ chức khá hoàn chỉnh. Đứng đầu triều đình là
vua (Hoàng đế), có quyền lực tối cao, nắm mọi quyền hành trên tất cả các lĩnh vực hoạt động
của đất nước; đồng thời là người thống lĩnh quân đội. Nhà vua có quyền quyết định việc tổ
chức, động viên, xây dựng, huấn luyện quân đội, bố trí lực lượng phòng thủ ở Kinh đô, các
tỉnh và những địa bàn trọng yếu trong cả nước.
Dưới vua là triều đình tổ chức gồm 6 bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công) với các chức
thượng thư, tả, hữu tham tri, tả, hữu thị lang; 6 khoa (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công). Tiếp đó
là 6 tự (thái thường, đại lý, quang lộc, hồng lô, thái lộc...) với chức tự khanh chuyên trách
từng công việc, chịu trách nhiệm trước vua. Dưới các bộ, khoa, tự như trên còn có các cơ
quan chuyên trách: Đô sát viện, Hàn lâm viện, Thái y viện, Quốc tử giám, Khâm thiên giám,
Tài chính ty, Thương bạc ty, Nội vụ phủ.
Triều Minh Mạng đổi Nội các thay cho Thị thư viện, chuyên thảo chiếu, chế, sắc, dụ
và công việc văn thư, tuyển các quan từ tam phẩm có tài về văn học sung vào; đồng thời đặt