chính quyền trung ương, mà vua là đại diện tối cao, nắm và quyết định mọi công việc, trong
đó có quyền tối hậu điều động quân đội khi cần thiết. Trong lịch sử dân tộc chưa có triều đại
nào quyền lực lại tập trung cao độ vào vua như nhà nước quân chủ thời Nguyễn. Từ thời Minh
Mạng đã đặt ra lệ “tứ bất" (bốn không): không đặt tể tướng, không lấy đỗ trạng nguyên, không
lập hoàng hậu, không phong tước vương cho người ngoại tộc (nếu phong cũng chỉ phong tước
danh dự), nhằm ngăn cản việc lấn át quyền hành đối với vua. Riêng chức nguyên phi, khi con
làm vua, mới được tôn là hoàng thái hậu.
Để củng cố, xây dựng chính quyền của nhà nước quân chủ chuyên chế, triều Nguyễn
hết sức quan tâm đến việc xây dựng luật pháp để giữ vững quyền quản lý toàn bộ đất nước.
Năm Tân Mùi (1811), vua Gia Long ra lệnh biên soạn bộ Hoàng triều luật lệ, đến năm Ất Hợi
(1815), hoàn thành được ban hành, thường được gọi là Bộ luật Gia Long, hay Hoàng Việt luật
lệ, gồm 398 điều, trong đó luật hình có 166 điều, luật binh có 58 điều, luật hộ có 66 điều.
Riêng về thuế, tạp dịch, kho là những công việc của nhà nước có 38 điều, còn về dân luật có
28 điều (điền trạch, hôn nhân) và luật công chỉ có 10 điều.
Trong quá trình thực hiện, triều Nguyễn bổ sung một số điều, song nội dung chủ yếu
vẫn dựa vào bộ luật nhà Thanh. Như vậy, cả luật và lệ dưới triều Nguyễn được xây dựng và
ban hành chỉ nhằm củng cố, bảo vệ chế độ chuyên chế dòng họ Nguyễn và tăng cường đàn áp
nhân dân nổi dậy. Tư tưởng đó của triều Nguyễn đã làm tổn hại yếu tố đoàn kết thống nhất
của dân tộc, hạn chế sự phát triển mọi mặt của đất nước, trong đó có hạn chế cả tư tưởng quân
sự và sức mạnh quân sự của dân tộc.
Đối với đội ngũ quan lại các cấp đều được cấp lương bổng, bằng tiền và gạo hằng
tháng. Phần lương bổng triều đình cấp không nhiều lắm, nhưng đời sống của quan lại rất cao
so với nhân dân nhờ số tiền tham ô, hối lộ gấp nhiều số lương được hưởng. Tầng lớp quan lại
lợi dụng mọi cơ hội như thu tô thuế, xử án, bắt lính, đắp đê, làm đường... để vơ vét tiền của
của nhân dân. Tệ nạn quan lại tham nhũng phổ biến ở các cấp. Tại nông thôn, bọn cường hào,
địa chủ nắm mọi quyền bính, bóc lột nhân dân rất nặng nề, làm cho đời sống của người dân,
nhất là nông dân vô cùng thiếu thốn, cùng cực. Đây chính là yếu tố làm cho tình hình xã hội
thường xuyên mất ổn định, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân bùng nổ mạnh mẽ
và rộng khắp ngay trong những năm đầu thế kỷ XIX. Dưới các triều từ Gia Long, Minh Mạng,
đến Thiệu Trị và Tự Đức, trong 10 năm (1848-1858), có hơn 300 cuộc khởi nghĩa của nông
dân đã nổ ra
8
.
Phong trào của nông dân miền xuôi, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành. Cuộc
khởi nghĩa này kéo dài 6 năm (1821-1827), thu hút đông đảo nông dân vùng đồng bằng Bắc
Bộ và một số nho sĩ, thổ hào các địa phương tham gia. Nghĩa quân lập căn cứ ở Trà Lũ (Nam
Định), nhanh chóng mở rộng địa bàn hoạt động ra các tỉnh ven biển, từ Thái Bình, Nam Định
đến Quảng Yên, có lúc lan sang cả Sơn Tây, Hòa Bình và Thanh Hóa. Nghĩa quân tiến công
các đồn lũy, bao vây huyện lỵ, phủ lỵ và nhiều lần đánh bại các cuộc càn quét của quân triều
đình, lấy của nhà giàu phân phát cho người nghèo. Trước thanh thế của nghĩa quân, triều