Tháng 7 năm Bính Thân (1836), người nước Thanh bí mật vượt vùng biên giới phía
Bắc sang tranh chấp đất đai và cướp phá của cải của nhân dân ta ở vùng Hưng Hóa. Triều
Nguyễn ra lệnh cho quan châu tổ chức lực lượng canh phòng và đánh đuổi người nước Thanh
ra khỏi lãnh thổ của ta. Tiếp đó, tháng 10 năm Bính Thân (1836), quan quân Hưng Hóa đánh
bại hơn 300 quân phiến loạn nước Thanh tràn sang xâm lấn vùng Sơn Yên, châu Thủy Vỹ, giữ
vững chủ quyền biên cương vùng Tây Bắc của Tổ quốc.
Tháng 9 năm Kỷ Dậu (1849), quân phiến loạn nước Thanh, gồm hơn 2.000 tên tràn
sang quấy phá châu Khâm ở Vạn Ninh và đóng đồn ở phố Bắc Luân, Na Lương thuộc xã Bắc
Nhan. Vua Tự Đức ra lệnh điều động binh lính đến ngăn chặn kịp thời. Tháng 9 năm Tân Hợi
(1851), hơn 3.000 quân nước Thanh (còn gọi là giặc Tam Đường) tràn sang nước ta, cướp phá
các bản thuộc xã Hữu Sản thuộc huyện An Bác, tỉnh Lạng Sơn. Triều đình Huế lệnh cho quan
tỉnh Lạng Sơn, tập trung lực lượng đánh đuổi quân Thanh về nước.
Nhân lúc đời sống nhân dân trên vùng biên giới phía Bắc gặp nhiều khó khăn, tháng
chạp năm Nhâm Tý (tháng 12-1852), quân Thanh tràn sang các vùng Lạng Sơn, Cao Bằng,
Quảng Yên quấy phá. Trước tình hình đó, vua Tự Đức phải thường xuyên huy động lực lượng
và lệnh cho các tỉnh vùng biên giới chấn chỉnh lực lượng trấn giữ các đồn lũy và đốc suất binh
lính đánh đuổi quân Thanh về nước. Tiếp đó, quân phiến loạn nhà Thanh tràn vào châu Tiên
Yên thuộc tỉnh Quảng Yên quấy phá. Phó quản vệ là Trần Tú tập hợp binh lính đón đánh ở xã
Bình Liêu, quân Thanh yếu thế tháo chạy về nước. Tháng 4 năm Giáp Dần (1854), đội quân
Hướng Nghĩa, do Lưu Sĩ Anh và thổ hào Đinh Công Hổ chỉ huy, đánh tan quân phiến loạn
nhà Thanh, do Hoàng Quốc Trương cầm đầu ở biên giới Lạng Sơn. Sau đó, chúng lại tràn vào
vùng Quảng Yên (Cao Bằng) cũng bị quan quân nhà Nguyễn đánh đuổi ra khỏi vùng biên giới
phía Bắc.
Tháng 3 năm Bính Thìn (1856), quân phiến loạn nhà Thanh cướp phá các tổng Thông
Nông, Quảng Trù (Cao Bằng), vua Tự Đức ra lệnh cho bách hộ Nông Kim Thạch, Nguyễn Sỹ
Hình, tập trung quân chặn đường, bắt đầu bảng Lý Mân đem xử lăng trì. Tháng giêng năm
Đinh Tỵ (tháng 1-1857), phủ Thái Bình nước Thanh thông báo cho triều Nguyễn biết bọn
phiến loạn Lâm Cửu Đại, Bình Sơn Lôi, chuẩn bị đem quân trốn sang nước ta.
Được tin, triều Nguyễn huy động lực lượng và ra lệnh cho quan quân các tỉnh Cao
Bằng, Lạng Sơn tổ chức phòng giữ lãnh thổ thiêng liêng vùng biên giới phía Bắc của nước ta.
Những chủ trương, biện pháp chỉ đạo hoạt động quân sự trên đây và các hoạt động quân sự
khác nửa đầu thế kỷ XIX chứng tỏ, triều Nguyễn quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền lãnh
thổ quốc gia ở biên giới phía Bắc, góp phần giữ vững nền độc lập của đất nước Việt Nam.
Thư tịch Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX đã dùng từ Nam Chưởng, Vạn Tượng, Bá Sắc
(nước Lào chia thành ba vương quốc nhỏ: Nam Chưởng, Vạn Tượng, Bá Sắc) để gọi tên các
nước láng giềng phía Tây. Trong nửa đầu thế kỷ XIX, họ đã gây ra những vụ lấn chiếm đất đai
của Việt Nam. Trước tình hình đó, tháng chạp năm Canh Ngọ (tháng 12-1810), vua Gia Long