Trong những năm ở đất Miên, một số quân lính nhà Nguyễn có hành động quấy nhiễu,
ức hiếp nhân dân, khiến người Miên bất bình, oán ghét đấu tranh. Phong trào đấu tranh giải
phóng dân tộc của nhân dân Miên diễn ra ngày càng mạnh mẽ, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa do
Sư Kế và một số quan đại thần yêu nước người Miên lãnh đạo. Năm Quý Tỵ (1833), vua
Xiêm lại đưa quân sang Cao Miên đánh quân Nguyễn đồn trú tại Miên, nhằm giành lại quyền
“bảo hộ”, nhưng thất bại. Cuộc tranh giành đất Cao Miên giữa hai thế lực phong kiến Việt
Nam và Xiêm, kéo dài hơn chục năm. Đến năm Đinh Mão (1847), sau khi vua Miên chấp
nhận cống nạp cho cả triều Xiêm và triều Nguyễn, thì vua Tự Đức cho rút quân ở Cao Miên
về nước. Thực tế thì cả hai tập đoàn phong kiến Việt Nam và Xiêm gặp khó khăn, không còn
đủ sức để đối phó với phong trào đấu tranh liên tiếp của nhân dân Cao Miên. Quá trình mở
rộng ảnh hưởng thế lực của triều Nguyễn sang đất Miên kết thúc.
Cuộc mở rộng phạm vi ảnh hưởng sang hai nước Cao Miên, Ai Lao và các cuộc xung
đột quân sự với Xiêm trên đất Miên, sau đó là Ai Lao kéo dài trong nhiều năm đã làm hao tổn
nhân tài, vật lực quốc gia; đồng thời gây tổn hại đến quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với
nhân dân hai nước láng giềng.
Triều Nguyễn thực hiện chính sách bang giao sai lầm đối với các nước láng giềng đã
làm cho tiềm lực mọi mặt đất nước suy kiệt, trong đó có tiềm lực quân sự, quốc phòng đúng
vào lúc cần phải tăng cường để đối phó với nguy cơ xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương
Tây, nhất là thực dân Pháp đang đến gần. Trong khi ba dân tộc Việt, Miên, Lào cần phải đoàn
kết đối phó với nguy cơ xâm lược của kẻ thù chung từ phương Tây tới thì triều Nguyễn lại đi
ngược lại yêu cầu lịch sử, làm tổn hại đến quan hệ láng giềng và sức mạnh phòng thủ của cả
ba nước.
- Chính sách đối với các nước tư bản phương Tây.
Đối với các nước tư bản phương Tây, triều Nguyễn thực hiện chính sách "đóng cửa”,
hạn chế quan hệ. Từ đầu thế kỷ XIX, các nước phương Tây, đặc biệt là Anh, Pháp, Mỹ trên
con đường phát triển mạnh, đua nhau bành trướng thế lực tìm kiếm thị trường sang phương
Đông, từng bước xâm chiếm các nước làm thuộc địa. Đối với Việt Nam, các nước tư bản
phương Tây, nhất là Pháp đã dòm ngó từ lâu và ngày càng xúc tiến các hoạt động khiêu khích
rất trắng trợn. Trước tình hình đó, triều Nguyễn đã thi hành chính sách hạn chế quan hệ với
các nước. Mặc dù vậy, trong những năm đầu thế kỷ XIX, vừa mới lên ngôi, Gia Long phải trả
ơn công giúp sức của tư bản Pháp, bằng cách cho tàu Pháp ra vào các cửa biển và các giáo sĩ
Pháp được quyền vào đất liền truyền giáo. Bên cạnh đó, do nhu cầu sinh hoạt, triều Nguyễn
phải cử một số người sang các nước, chủ yếu mua sắm hàng hóa tiêu dùng phục vụ quyền lợi
họ Nguyễn.
Thế nhưng, chính sách bế quan tỏa cảng vẫn là tư tưởng xuyên suốt từ các vua Gia
Long, Minh Mạng đến Thiệu Trị và Tự Đức. Năm 1803, khi người Hồng Mao (Anh) đến Sơn
Trà (Quảng Nam), xin dâng lễ vật được mở cửa hàng, Gia Long sai trả lại lễ vật, từ chối việc