LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VIỆT NAM - TẬP 2 - Trang 250

thông thương, bởi không muốn người phương xa đến buôn bán. Chính sách này được các vua
triều Nguyễn, đặc biệt quyết liệt là vua Minh Mạng tiếp tục thực hiện. Thương nhân của các
nước Anh, Mỹ, Đức, Italia đến đặt vấn đề xin buôn bán, đều bị các vua triều Nguyễn khước từ
không tiếp, hoặc trả lại lễ vật. Triều Nguyễn không muốn cho người nước ngoài vào nước ta
mở cửa hiệu buôn bán và tự do đi lại, sợ họ do thám tình hình, điều tra mọi mặt của đất nước,
xúi dân "làm loạn” chống lại triều đình.

Trước những hành động của tư bản phương Tây, triều Nguyễn từ chỗ cấu kết, dựa vào

chủ nghĩa tư bản phương Tây, chủ yếu là Pháp những năm trước đây đã lo sợ, chuyển sang
chủ trương khước từ mọi quan hệ thông thương với các nước. Mục đích việc bế quan tỏa cảng
của triều Nguyễn, nhằm giữ cho bờ cõi đất nước được bảo toàn, nhưng thực chất chính sách
này chỉ kéo dài thêm thời gian chứ không ngăn cản được tham vọng bành trướng xâm lược
của các nước tư bản phương Tây.

Đối với thực dân Pháp, cùng một lúc chúng thực hiện nhiều thủ đoạn thâm độc để cuối

cùng dùng hành động quân sự. Trong hai năm Nhâm Ngọ (1822) và Ất Dậu (1825), thực dân
Pháp cho tàu chiến vào Đà Nẵng, đòi triều đình Huế thả các giáo sĩ đang bị giam giữ và đòi
được tự do buôn bán. Tiếp đó, năm Đinh Mão (1847), tàu chiến Pháp liên tiếp vào Đà Nẵng
khiêu khích. Đặc biệt là ngày 15-4-1847, tàu chiến Pháp bắn phá chiến thuyền của triều
Nguyễn ở vùng biển Đà Nẵng. Tháng giêng năm Nhâm Tý (tháng l-1952), một chiến hạm
Pháp mang tên Caprixiơ (Capricieuse), đến vùng biển vịnh Bắc Bộ và lần lượt vào các cửa
biển Phú Yên, Cam Ranh, Ô Cấp. Trước tình hình vùng biển tiếp tục có những diễn biến phức
tạp, do các hoạt động uy hiếp, phá hoại của tàu nước ngoài, tháng 2 năm Giáp Dần (1854),
vua Tự Đức hạ lệnh cho các tỉnh ven biển tổ chức lực lượng tuần tra nghiêm ngặt để phòng
giữ các của biển ở từng địa phương và cấm không cho các tàu chiến phương Tây vào cửa biển
của ta.

Chủ trương nghiêm khắc của triều Nguyễn không ngăn cản và hạn chế được các thủ

đoạn và hành động quân sự ngày càng trắng trợn của Pháp. Cuối tháng 10 năm Bính Thìn
(1856), tàu chiến Pháp nổ súng bắn phá các đồn lũy ở khu vực Sơn Trà, Đà Nẵng rồi đổ bộ lên
bờ, phá hủy tất cả số đại bác của nhà Nguyễn bố trí ở đây. Quan quân triều Nguyễn không kịp
ứng phó, rút chạy. Tàu chiến Pháp rút ra đậu ở vùng ngoài khơi, chờ cơ hội hành động tiếp.
Trước tình hình đó, vua Tự Đức ra lệnh cho quan quân tỉnh Thừa Thiên tổ chức đắp lũy vùng
bãi cát ở phía bắc cửa biển Thuận An, bố trí hai cỗ quá sơn và 8 cỗ Võ Công hai bên lũy;
đồng thời ra lệnh cho Đào Trí, Nguyễn Duy, tổng đốc Trần Hoàng, bố chánh Thân Văn Nhiếp,
Lê Văn Phả đến các thành, pháo đài, đồn bảo ở cửa biển Đà Nẵng nắm tình hình, tổ chức lực
lượng phòng thủ vùng ven biển trọng yếu này. Tháng 6 năm Đinh Tỵ (1857), triều đình Huế
lệnh cho pháo thủ doanh Thần Cơ và lính thủy sư đến cửa Thuận An diễn tập, bắn thử các loại
súng, sẵn sàng đối phó với quân Pháp, nếu chúng gây hấn.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.