mạnh toàn dân để giữ thế ổn định xây dựng đất nước, tạo điều kiện bảo vệ nền độc lập quốc
gia trước mưu đồ xâm lược của các nước tư bản phương Tây, nhất là tư bản Pháp.
Trong điều kiện đất nước không có chiến tranh, các vua triều Nguyễn đã chú ý xây
dựng quân đội có tổ chức tương đối hoàn chỉnh và thống nhất, có quân triều đình cơ động trên
các địa bàn quan trọng và quân các tỉnh, trấn, phủ, huyện tiến hành phòng thủ trên từng địa
phương. Quân đội gồm đủ các thành phần lực lượng, quân số khá đông, nhưng mục đích xây
dựng chủ yếu xuất phát từ lợi ích dòng họ và giai cấp thống trị. Quân đội triều đình đối lập
với nhân dân, bởi triều Nguyễn thường sử dụng quân đội làm nhiệm vụ đàn áp quần chúng
nhân dân nổi dậy, lại chính là những người thân của mình. Chính vì thế, quân đội không thể
dựa vào dân và triều Nguyễn không tìm được nguồn sức mạnh trong dân, không thể thực hiện
được "toàn dân vi binh" như các triều đại trước khi đất nước bị giặc ngoại xâm.
Dựa trên cơ sở lãnh thổ quốc gia thống nhất, triều Nguyễn có điều kiện để củng cố,
xây dựng tiềm lực quốc phòng vững chắc. Triều Nguyễn đã kế thừa truyền thống xây dựng
thành lũy trong các cuộc khởi nghĩa và kháng chiến chống ngoại xâm của các triều đại trước
đó, để xây dựng thế trận phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Trên thực tế, triều
Nguyễn đã huy động một lực lượng lớn binh lính và dân chúng tham gia xây dựng, mở rộng
Kinh thành Huế, tăng cường lực lượng, bổ sung vũ khí trang bị, định lệ binh lính canh giữ,
nhằm tăng thế phòng thủ của Kinh đô. Đồng thời, triều Nguyễn tiến hành củng cố, xây dựng
một số thành, pháo đài, tăng cường lực lượng đồn trú canh gác ở những nơi trọng yếu, nhất là
các tỉnh biên giới, vùng ven biển và tổ chức lực lượng trấn giữ ở các địa phương trong cả
nước. Triều Nguyễn đã xây dựng được một hệ thống phòng thủ bao gồm thành lũy, pháo đài,
đồn bảo kiên cố ở nhiều nơi, từ đồng bằng lên miền núi, từ biên giới đến hải đảo, bố trí một
lực lượng phù hợp trấn giữ thể hiện tư tưởng về tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng đất
nước. Thế nhưng, do còn hạn chế giai cấp, triều Nguyễn không có được những tư tưởng tiến
bộ về xây dựng và phát huy hiệu quả sức mạnh của tiềm lực quân sự, quốc phòng để phòng
giữ đất nước.
Trong quan hệ với các nước, tùy vào sự mạnh yếu của từng nước, triều Nguyễn có
những chính sách đối ngoại, trong đó về quân sự với mức độ khác nhau. Đối với triều Mãn
Thanh, các vua triều Nguyễn luôn kiên định tư tưởng thần phục, lệ thuộc. Với các nước láng
giềng phía Tây và Tây Nam, triều Nguyễn lại thực hiện chính sách lấn át, thậm chí dùng lực
lượng quân sự, gây xung đột vũ trang để mở rộng ảnh hưởng, làm tổn hại đến quan hệ, quyền
lợi giữa nhân dân ta với nhân dân các nước láng giềng. Trước âm mưu và hành động mở rộng
thị trường của các nước phương Tây, nhất là Pháp xúc tiến âm mưu chuẩn bị xâm lược, triều
Nguyễn nhất mực tư tưởng "đóng cửa”, khước từ mọi quan hệ với các nước, làm cho tiềm lực
quân sự, quốc phòng của nước ta không phát triển, lạc hậu so với các nước.
Như vậy là, những hoạt động trên lĩnh vực quân sự thời kỳ 1802-1858 đã bước đầu
phản ánh một số quan điểm tư tưởng quân sự triều Nguyễn, về: bảo vệ độc lập dân tộc, thống